Các hoạt động tháng 8 với chủ đề “Em yêu làng em” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Các hoạt động tháng 8 với chủ đề “Em yêu làng em” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 1/8- 31/8/2022, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa với chủ đề “Em yêu làng em” với các hoạt động thiết thực, bổ ích, ý nghĩa, tạo sân chơi cuối mùa hè cho các em học sinh và giới thiệu các nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Các động văn hóa với sự tham gia của khoảng hơn 100 người của 13 dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng và các nghệ nhân đồng bào dân tộc Cơ Tu đến từ huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Các hoạt động tháng 8 với chủ đề “Em yêu làng em” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 1Đồng bào dân tộc Cơ Tu với điệu múa Tung tung da dá. Ảnh: Hoàng Tâm

Hoạt động sự kiện với chủ đề “Em yêu làng em” sẽ tổ chức hoạt động giao lưu thiếu nhi các dân tộc tại Làng nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho các em thiếu nhi và tạo một môi trường năng động, một không gian giải trí bổ ích cho các em. Đặc biệt là nâng cao tinh thần đoàn kết, giáo dục lòng tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, ý thức tổ chức kỷ luật, trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng thực hành xã hội. Đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong mỗi em thiếu nhi.

Tổ chức các hoạt động “Ngày hội văn hoá dân tộc Cơ Tu” với Chương trình dân ca dân vũ “Buôn làng vào hội” của đồng bào dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên- Huế. Các tiết mục dân ca dân vũ ca ngợi đất nước, quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu, A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế, các điệu hát lý, nói lý, dân ca trong nghệ thuật diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Giới thiệu điệu múa Tung tung da dá (còn gọi là vũ điệu dâng trời”) là một trong những nghệ thuật không thể thiếu được trong sinh hoạt tinh thần của người Cơ Tu. Múa tung tung (múa nam) và múa da dá (múa nữ) hai điệu múa này thể hiện tinh thần tập thể, tính cộng đồng rất cao đã trở thành nét nổi bật trong văn hóa của người dân tộc Cơ Tu. Vũ điệu tung tung da dá vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vừa thể hiện giấc mơ của đồng bào dân tộc Cơ Tu về cuộc sống thanh bình, ước muốn ấm no, hạnh phúc.

Không gian nghề thủ công truyền thống và trò chơi dân gian sẽ giới thiệu hoạt động chế tác nhạc cụ, đan lát mà nổi bật nhất là nghề dệt Zèng (thổ cẩm kết cườm). của đồng bào Cơ Tu; các hoạt động thể thao truyền thống: đẩy gậy, bắn nỏ…; giới thiệu ẩm thực truyền thống của đồng bào Cơ Tu và các sản vật địa phương: cơm lam, bánh sừng trâu, rượu cần, rượu đoác, nếp than, nếp tím… thu hút khách du lịch.
Đặc biệt, đồng bào Cơ Tu đến từ huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ Tái hiện Lễ hội A Riêu A Za (mừng lúa mới).

Lễ Aza của đồng bào Cơ Tu lưu giữ những tình cảm tốt đẹp, gắn bó, sẻ chia cùng nhau trong mỗi làng bản, cộng đồng, mở ra một chu kỳ nông nghiệp mới. Sau một mùa vụ mới, lễ Aza lại diễn ra rộn ràng trên các bản làng của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy sinh sống ở tây Thừa Thiên Huế. Aza (lễ mừng lúa mới) một hoạt động dân gian vui tươi, nhộn nhịp in đậm sắc màu văn hoá dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, phản ánh đời sống tín ngưỡng, lòng biết ơn của đồng bào với mẹ của các giống cây trồng. Đặc biệt ý nghĩa nhân văn thể hiện qua hình tượng mẹ lúa đã nuôi dưỡng lớp lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác. Lễ hội “Mừng lúa mới” là một nghi lễ quan trọng trong đời sống của người dân đồng bào nhằm thể hiện sự biết ơn đối với các thần linh đã che chở mang lại cuộc sống ổn định, bản làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Các hoạt động tháng 8 với chủ đề “Em yêu làng em” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 2Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giới thiệu nét văn hóa truyền thống. Ảnh: Hoàng Tâm

Tại không gian Làng sẽ có các Chương trình trải nghiệm văn hóa gắn với các không gian đồng bào dân tộc; Chương trình “Thiếu nhi với nét văn hóa truyền thống các dân tộc”; hoạt động trải nghiệm vẽ tranh tuổi thơ “ Em yêu Làng em”… giới thiệu văn hóa truyền thống tộc người, du khách được tìm hiểu về kiến trúc, trang phục, dân ca dân vũ, lễ hội...cùng với đó là các loại hình diễn xướng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống. Cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.

Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Hoàng Tâm

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm