Các hoạt động tháng 5 với chủ đề “Hát về Người” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Các hoạt động tháng 5 với chủ đề “Hát về Người” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
 
Đồng bào Khmer giới thiệu văn hóa truyền thống phục vụ khách du lịch. Ảnh: Hoàng Hải
Đồng bào Khmer giới thiệu văn hóa truyền thống phục vụ khách du lịch.
Ảnh: Hoàng Hải

Hoạt động tháng 5 với sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào thuộc 13 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Bahnar, Xê Đăng, Raglai, Ê Đê, Khmer) ở 12 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng) cùng sự tham gia của các diễn viên, nghệ sỹ, sinh viên của Nhà hát Múa rối Việt Nam, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

Hoạt động điểm nhấn trong các chuỗi hoạt động là Chương trình ca múa nhạc “Hát về Người” tại không gian cánh đồng “Tổ quốc gấm hoa” làng dân tộc I với những tiết mục ca, múa nhạc từ trái tim, tình cảm của đồng bào các dân tộc dâng lên Bác nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Người và 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh.  

Nghệ nhân dân gian người dân tộc Si La giới thiệu những bài ca cổ của dân tộc mình. Ảnh: Hoàng Hải
Nghệ nhân dân gian người dân tộc Si La giới thiệu những bài ca cổ của dân tộc mình. Ảnh: Hoàng Hải

Cũng tại không gian của “Ngôi nhà chung” sẽ tái hiện Lễ kết nghĩa anh em (Lễ Tơ Mon) của đồng bào dân tộc Bahnar. Đây là một tập tục truyền thống - nghi thức nhận con nuôi của đồng bào dân tộc Bahnar. Sau nghi lễ này người mẹ, cha (nuôi) phải có trách nhiệm thương yêu, bao bọc con nuôi như chính con ruột và ngược lại. Lễ Tơ Mon là lễ mang đậm tính nhân văn cũng như phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn cũng như chia sẻ những niềm vui gia đình và cộng đồng của đồng bào dân tộc Bahnar.

Lễ Phật Đản năm 2019, Phật lịch 2563 cũng sẽ được tổ chức tại chùa Khmer. Đây là hoạt động Phật sự hàng năm theo truyền thống Phật giáo để phục vụ đời sống tâm linh, tín ngưỡng của Phật tử, qua đó tăng cường tinh thần đoàn kết tăng ni, phật tử, lan toả giá trị văn hoá, tâm linh của ngôi chùa Khmer thứ 454 và cũng là ngôi chùa duy nhất theo Phật giáo Nam tông giữa lòng Hà Nội.

Du khách cùng tham gia vào các hoạt động lễ hội với đồng bào dân tộc. Ảnh: Hoàng Hải
Du khách cùng tham gia vào các hoạt động lễ hội với đồng bào dân tộc.
Ảnh: Hoàng Hải 

Vào các dịp cuối tuần có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc như Chương trình múa rối nghệ thuât “Ước mơ xanh” do các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn. Chương trình trải nghiệm“Ngày hè của em” được tổ chức với Cuộc thi viết chữ đẹp “Nét chữ, nết người”; Cuộc thi vẽ tranh “Em yêu làng em” và một số trò chơi dân gian của trẻ thơ như chơi ô ăn quan, đánh chắt, chơi chuyền, làm diều…

Bên cạnh đó, các hoạt động hàng ngày, cuối tuần cũng được tổ chức sôi nổi, hấp dẫn, giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung”, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, vùng, miền thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và quảng bá văn hóa, du lịch của các địa phương.
Hoàng Tâm

Có thể bạn quan tâm