Các hoạt động tháng 12 với chủ đề “Làng và những sắc hoa” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Các hoạt động tháng 12 với chủ đề “Làng và những sắc hoa” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 1/12/2020 đến 3/1/2021 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề “Làng và những sắc hoa”. Giới thiệu các hoạt động dân ca, dân vũ, ẩm thực, sản vật phong phú của các dân tộc nhằm bảo tồn các phong tục tập quán và tạo điểm đến, thu hút khách du lịch, góp phần tạo không khí tưng bừng đón chào năm mới 2021.

Các hoạt động tháng 12 có sự tham gia của hơn 100 đồng bào thuộc 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Bahar, Xê Đăng, Cơ Tu, Gia Rai, RagLai, Ê Đê, Khmer) đến từ 12 địa phương và các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Múa Rối Việt Nam.

Hoạt động điểm nhấn của tháng 12 là “Phiên chợ vùng cao chào Xuân 2021” sẽ tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng cao cùng vui gặp gỡ nhìn lại một năm đã qua và hân hoan đón chào năm mới 2021 tại “ngôi nhà chung”. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật đậm sắc màu của các dân tộc Mông, Hà Nhì, Lự...

Các hoạt động tháng 12 với chủ đề “Làng và những sắc hoa” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 1Đồng bào dân tộc Mông giới thiệu nghề đan lát. Ảnh: Hoàng Hải

Không gian chợ với 50 gian hàng và khu vực nhà dân tộc Phù Lá. Điểm nhấn không gian sinh hoạt tại chợ là sắc màu văn hóa của các địa phương vùng cao như Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn và không gian văn hóa vùng cao của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày chung niềm vui đón Tết độc lập.

Sắc màu văn hóa Bắc Kạn được tái hiện giới thiệu sản vật địa phương, ẩm thực truyền thống của các dân tộc cùng với những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn như miến dong, rượu men lá dân tộc, gạo nếp, bí xanh thơm Ba Bể, nấm hương Na Rì, mật ong rừng... Đây là những nông sản từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và một số sản vật đặc trưng khác của tỉnh Bắc Kạn. Ngoài ra còn có các sản vật vùng cao Điện Biên và Lai Châu...

Du khách còn được thưởng thức nghệ thuật múa Khèn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Bắc Kạn. Khèn là biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, khèn của đồng bào dân tộc Mông còn là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng chia sẻ tâm tư tình cảm giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời. Nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Mông gắn liền với chiếc khèn. Diễn tấu khèn là một nghệ thuật hết sức độc đáo. Năm 2015, nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông tỉnh Bắc Kạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các hoạt động tháng 12 với chủ đề “Làng và những sắc hoa” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 2Đồng bào dân tộc Tày giới thiệu điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Hoàng Hải

Các nhóm đồng bào dân tộc vùng cao sẽ giới thiệu, trình diễn nghề thủ công truyền thống. Mỗi vùng có những sản phẩm thủ công truyền thống riêng, bản sắc riêng tạo nên sự đa dạng văn hóa cũng như đa dạng về đời sống kinh tế. Mỗi một nghề thủ công truyền thống đều được tích lũy vốn tri thức khác nhau, được sinh ra và phát triển đồng hành cùng với sự hình thành các bản mường. Bảo tồn nghề là bảo tồn làng bản truyền thống, bảo tồn các giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc.

Nghề thủ công truyền thống là một trong những nét đẹp văn hóa gắn với cộng đồng các dân tộc vùng cao. Đồng bào các dân tộc cùng nhau giới thiệu các nét văn hóa độc đáo ấy bằng sắc màu thổ cẩm của nghề thêu và trang trí hoa văn trên vải của nhóm Dao đỏ tỉnh Bắc Kạn, thêu khăn piêu của các thiếu nữ dân tộc Thái tỉnh Sơn La hay nét đẹp của các sản phẩm đan lát truyền thống của các dân tộc đến từ Lai Châu, Bắc Kạn, Điện Biên.

Cũng tại không gian “Ngôi nhà chung”, đồng bào dân tộc Lự đến từ tỉnh Lai Châu sẽ tái hiện Lễ hội Căm Mường, đồng bào dân tộc Hà Nhì đến từ tỉnh Điện Biên sẽ tái hiện Tết Khù sự và đồng bào dân tộc Xê Đăng đến từ tỉnh Kon Tum sẽ tái hiện nghi thức On rô pơ rông (uống rượu mừng năm mới) độc đáo của dân tộc mình.

Vào các dịp cuối tuần sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật Rối đặc sắc “Chào xuân 2021” của nghệ sỹ nhà hát Múa Rối Việt Nam và các hoạt động theo chủ đề “Làng và những sắc hoa” cùng hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hằng ngày tại Làng chuẩn bị đón chào năm mới 2021.

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. 

Hoàng Tâm

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm