Các hoạt động tháng 1 với chủ đề “Hương xuân vùng cao” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Các hoạt động tháng 1 với chủ đề “Hương xuân vùng cao” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 01 - 31/01/2022, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ giới thiệu không khí đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc đang sinh hoạt tại Làng với chủ đề “Hương xuân vùng cao”...

Đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), tham gia các hoạt động tháng 1, du khách thêm hiểu những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống đón Tết vui xuân, đặc trưng của từng dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau cùng phát triển, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn giới thiệu các trò chơi dân gian truyền thống, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực món ngon đầu năm mới, sản vật các dân tộc, góp phần quảng bá văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào; tạo điểm đến thu hút khách du lịch; hoàn thiện sản phẩm du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; tăng cường, đa dạng, phong phú nội dung hoạt động hàng ngày, cuối tuần, sự kiện và đáp ứng yêu cầu của khách tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Các hoạt động với sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào 13 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Bahnar, Xê Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer) đang sinh sống và hoạt động tại Làng và khoảng 20 đồng bào dân tộc Thái đến từ tỉnh Sơn La

Các hoạt động tháng 1 với chủ đề “Hương xuân vùng cao” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam  ảnh 1Các nghệ nhân là đồng bào dân tộc thiểu số chế tác nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Hoàng Tâm - DTMN

Chủ đề “Hương xuân vùng cao” trong tháng được mở đầu bằng hoạt động “Làng - Ngôi nhà chung của chúng ta” với điểm nhấn “Giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống qua nét đẹp nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung” chào năm mới 2022.

Tiếp theo là hoạt động chuyên đề “Sắc xuân vùng cao”. Đồng bào dân tộc Thái đến từ tỉnh Sơn La tổ chức tái hiện Lễ Hạn khuống đặc sắc của dân tộc. Hạn khuống là lễ hội truyền thống đặc trưng của đồng bào Thái. Lễ này đã có từ rất lâu đời. mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được hình thành và phát triển cùng với lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái.

Các hoạt động tháng 1 với chủ đề “Hương xuân vùng cao” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam  ảnh 2Đồng bào dân tộc Thái tham gia điệu múa nhảy sạp với du khách. Ảnh: Hoàng Tâm - DTMN

Đặc biệt, đồng bào dân tộc Thái còn tổ chức Chương trình giới thiệu “Điệu xoè thương nhau” và khúc hát ngày Xuân. Múa xòe là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, một điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái Tây Bắc. Múa xòe còn có tên khác là “Xe khăm khen” (múa cầm tay). Múa xòe biểu hiện sự đoàn kết, thân thiện, gắn bó, có tính tập thể cao nên người Thái ai ai cũng đều biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật xòe của dân tộc mình. Người Thái quan niệm: "Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ". Múa xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa. Người Thái thường tổ chức múa xòe trong hội xuân, hội mùa và hội cưới.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, xòe Thái có nhiều loại. Có lẽ sớm nhất là xòe vòng (xóe voóng). Khách thăm đến với hội xòe, tay nắm tay cùng các thiếu nữ Thái duyên dáng, nhún bước theo tiếng nhạc sôi động cùng nối vòng tay bè bạn, kết nối mọi người trở về cội nguồn để trân trọng vẻ đẹp truyền thống dân tộc Thái. Có thể nói, những điệu xòe Thái là nét văn hóa tiêu biểu trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của người Thái, một biểu tượng văn hóa của đồng bào ở vùng Tây Bắc.

Các hoạt động tháng 1 với chủ đề “Hương xuân vùng cao” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam  ảnh 3Đồng bào các dân tộc thiểu số với Vòng xòe đoàn kết. Ảnh: Hoàng Tâm - DTMN

Tết đến, xuân về, bà con đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại Làng chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết. Bên trong nhà: Bày trí mâm ngũ quả, cành đào; treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và trang trí không gian nhà theo đúng phong tục ngày tết của các dân tộc. Bên ngoài: Trang trí cổng, không gian xung quanh, lối đi vào và không gian tổ chức trò chơi dân gian; Trang trí tiểu cảnh điểm nhấn để du khách chụp hình. Đặc biệt, làm nổi bật không khí đón mừng năm mới của các làng dân tộc Tây Bắc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái), tăng cường các loại cây hoa, màu xanh của bản làng để thấy được sự no ấm, trù phú của ngày Xuân.

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Hoàng Tâm 

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm