Các hạn chế để phòng ngừa COVID-19 có thể liên quan đến việc giảm mạnh số ca sốt xuất huyết

Các hạn chế về đi lại và giảm tương tác được áp dụng để phòng chống dịch COVID-19 có thể liên quan đến việc giảm mạnh số ca sốt xuất huyết trên thế giới trong năm 2020. Phát hiện này mở ra hướng đi mới về cách thức kiểm soát dịch sốt xuất huyết.

Theo nghiên cứu do trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh) tiến hành và được đăng trên tạp chí chuyên ngành Lancet Infectious Diseases, số ca sốt xuất huyết trên toàn thế giới trong năm 2020 giảm gần 750.000 ca so với dự kiến. Theo Phó Giáo sư Oliver Brady, tác giả công trình nghiên cứu, kết quả này thực sự đáng ngạc nhiên, khi số ca sốt xuất huyết giảm đáng kể trong bối cảnh người dân không thể tự do rời khỏi nhà đi đến các địa điểm khác, trong đó có trường học.

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, xuất hiện theo mùa và nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Sốt xuất huyết do muỗi Aedes - loài muỗi đốt vào ban ngày - truyền bệnh. Tuy nhiên, trước đây các nhà khoa học cho rằng việc lây truyền bệnh này chủ yếu ở trong nhà hoặc xung quanh nhà hơn là ở những nơi khác. Do đó, kết quả nghiên cứu trên bất ngờ đối với các nhà khoa học.

Theo Phó Giáo sư Brady, kết quả nghiên cứu này mở ra hướng tiếp cận mới trong việc kiểm soát dịch sốt xuất huyết, theo đó có thể phun thuốc diệt côn trùng trong lớp học và truy vết tiếp xúc.

Nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của 23 quốc gia ở Mỹ Latinh và Đông Nam Á – nơi dịch sốt xuất huyết hoành hành. Tổ chức Y tế thế giới (WTO) cho biết tỷ lệ sốt xuất huyết trên toàn cầu đang gia tăng đáng kể và khoảng 50% dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Thống kê cho thấy mỗi năm thế giới ghi nhận từ 100-400 triệu ca sốt xuất huyết, trong đó có hơn 80% số ca mắc nhẹ và không có triệu chứng.

Giáo sư Philip McCall tại trường Y học nhiệt đới Liverpool cho rằng kết quả nghiên cứu trên rất quan trọng và cần điều tra kỹ hơn, nhấn mạnh “sốt xuất huyết là căn bệnh của thế kỷ 21” vì đang ngày một lan rộng về phía Bắc do biến đổi khí hậu.

Các tác giả của nghiên cứu trên thừa nhận một số hạn chế của nghiên cứu, trong đó có yếu tố đại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến việc báo cáo số ca mắc sốt xuất huyết ở một số nơi.

Ngọc Hà

Tin liên quan

Chủ động phòng sốt xuất huyết trong tình hình dịch COVID-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến nay cả nước ghi nhận 49.113 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong. Số ca tử vong do sốt xuất huyết tập trung tại Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bình Thuận. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu phải vừa chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo khám chữa bệnh thông thường, đặc biệt là sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.


Giới khoa học chỉ ra những điểm khác nhau giữa bệnh COVID-19 và sốt xuất huyết

Theo những thông tin đăng trên các trang web khoa học The Heathsite và WebMD, cả hai căn bệnh COVID-19 và sốt xuất huyết đều có thể dẫn tới tử vong cho người mắc phải. Các điều trị lâm sàng đối với những người mắc thể nặng ở 2 bệnh này tương đối khác nhau và thường cần phải điều trị tại bệnh viện.



Đề xuất