Các địa phương phòng chống sâu bệnh gây hại trên lúa

Các địa phương phòng chống sâu bệnh gây hại trên lúa
Cán bộ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Điện Biên hướng dẫn nông dân cách phun thuốc phòng trừ bênh đạo ôn. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Cán bộ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Điện Biên hướng dẫn nông dân cách phun thuốc phòng trừ bênh đạo ôn. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Đến nay, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã gây nhiễm trên 7.400 ha (tăng trên 6.800 ha so với cùng kỳ năm trước); trong đó, nhiễm nặng 956 ha; phân bố tại các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang và An Giang. Bệnh đạo ôn hại lá nhiễm trên 30.000 ha (tăng trên 16.600 ha) và tập trung các tỉnh phía Bắc. Sâu năn (muỗi hành) gây hại gần 1.300 ha (tăng 1.258 ha), xuất hiện gây hại tại An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang. Lúa tại các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế đang bị nhiễm bệnh đốm nâu với 1.435 ha (tăng 1.316 ha). Ngoài ra, còn một số lại dịch hại khác như: rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh lùn sọc đen, bạc lá…. cũng đang gây hại trên lúa nhưng với diện tích giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện lúa ở các tỉnh Bắc bộ trà sớm đang trong giai đoạn phơi màu - đỏ đuôi, trà muộn đang phát triển đòng – trỗ; tại Bắc Trung bộ đang làm đòng, trỗ, chín; Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên chủ yếu đang mạ - đẻ nhánh, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phần lớn diện tích lúa Hè Thu đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng. Theo Cục Bảo vệ thực vật, các tỉnh phía Bắc sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục gây hại diện hẹp trên những diện tích chưa được phun phòng hoặc những diện tích phun kém hiệu quả. Đặc biệt, đối với các tỉnh đồng bằng, ven biển như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng. Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 tiếp tục gây hại diện hẹp trên các trà lúa và trên các giống nhiễm. Dự báo thời tiết tiếp tục có mưa, ẩm độ không khí cao do vậy bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục phát sinh và gây hại trên diện tích lúa trỗ đến phơi màu, nhất là trên các giống nhiễm như: Thiên ưu 8, LT2, Bắc thơm số 7, BC15…   Các tỉnh Bắc Trung bộ, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn, đen lem lép hạt, rây nâu, rầy lưng trắng, chuột... tiếp tục phát sinh, gây hại xu hướng tăng. Các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân cần thăm đồng thường xuyên, hướng dẫn nông dân quản lý tốt nguồn rầy nâu tại chỗ, xác định cao điểm rầy nâu di trú để chỉ đạo xuống giống vụ Hè Thu “né rầy” hiệu quả, hạn chế thấp nhất khả năng lan truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu gây ra cho lúa Hè Thu. Bệnh đạo ôn lá sẽ tiếp tục phát triển gây hại trên lúa Hè Thu giai đoạn đẻ nhánh. Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng tiếp tục cử các đoàn công tác kiểm tra tình hình hình sinh vật gây hại cây trồng và chỉ đạo việc phòng chống tại các tỉnh trọng điểm. Các địa phương theo dõi diễn biến các đối tượng sinh vật gây hại trên lúa Đông Xuân 2017-2018, lúa Hè Thu 2018 để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Bích Hồng

Có thể bạn quan tâm