Các địa phương phía Bắc tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt

Các địa phương phía Bắc tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt
Một tuyến đường ở huyện Thông Nông (Cao Bằng) bị ngập sâu 2m, người dân phải di chuyển bằng bè mảng. Ảnh: Quân Trang - TTXVN
Một tuyến đường ở huyện Thông Nông (Cao Bằng) bị ngập sâu 2m, người dân phải di chuyển bằng bè mảng. Ảnh: Quân Trang  - TTXVN

Ngày 4/8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, hiện Viện Khoa Thủy lợi Việt Nam (Viện Thủy công) phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp than-Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành bản vẽ công trình tràn thép tại điểm đập 740 khu mỏ than Mông Dương, tỉnh Quảng Ninh để kịp thời triển khai thi công (đêm 3/8 đã thi công xong tràn thép dài 8m).

 

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục chỉ đạo lực lượng quân đội hỗ trợ các tỉnh trong công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với mưa, lũ. Tổng cục Thủy lợi đã cử đoàn công tác kiểm tra và chỉ đạo khắc phục sự cố đoạn đê tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ và kịp thời thông báo tình hình mưa lũ đến Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; đồng thời đôn đốc các tỉnh thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

 

Các Bộ, ngành theo nhiệm vụ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và phối hợp với địa phương thực hiện công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo nhanh về tình hiện hình thiệt hại và công điện chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

 

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ và chủ động các biện pháp ứng phó theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, xử lý sự cố đê điều. Các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Sơn La, Hà Nội, Thái Bình đã có báo báo nhanh, công điện chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ và tình hình thiệt hại do mưa lũ.

Tuyến đường liên huyện Thông Nông- Bảo Lạc (Cao Bằng) bị sạt lở. Ảnh: Quân Trang - TTXVN
Tuyến đường liên huyện Thông Nông- Bảo Lạc (Cao Bằng) bị sạt lở.
Ảnh: Quân Trang  - TTXVN

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, từ ngày 1/8 đến sáng 4/8 mưa lũ đã làm 11 người chết (tăng 5 người so với báo cáo nhanh ngày 2/8), bị thương 11 người (tăng 5 người so với báo cáo nhanh ngày 2/8).

 

Nhà bị sập đổ, cuốn trôi 122 nhà (tăng 44 nhà so với ngày 2/8); nhà bị ngập nước 3.666 (tăng 233 nhà so với báo cáo nhanh ngày 2/8). Diện tích lúa bị ngập, thiệt hại 10.422 ha. Diện tích hoa màu bị thiệt hại 1.436ha.

 

Tại Bắc Giang, sạt lở một số vị trí tại đê hữu Thương, đê tả Cầu, đê hữu Lái Nghiên, đê bối Cửa Xa, sụt lún kè Chùa Xòi. Tại Bắc Ninh, sạt lở tại K56+900 đê hữu Cầu (đê cấp 3). Kênh mương bị thiệt hại: 11.271m; công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng 140 cái. Đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở 246.049 m3; đường giao thông nông thôn bị sạt lở 36.788 m3.

 

Các địa phương đang khẩn trương phục hậu quả, tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình có thiệt hại về người và tài sản. Đến nay hầu hết các khu vực nước đã rút nên số lượng nhà bị ngập nước đã giảm đáng kể. Chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng để giúp người dân dọn dẹp vệ sinh sớm ổn định đời sống, sản xuất.

 

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đã chỉ đạo ngành giao thông và các địa phương khắc phục hậu quả. Hiện tại trên các Quốc lộ đã cơ bản thông xe và chỉ còn xảy ra ách tắc tại 3 khu vực. Đó là Quốc lộ 279 (tỉnh Lào Cai) bị sạt lở ta luy dương tại K143+300, dự kiến 16h ngày 04/8/2015 sẽ thông xe. Quốc lộ 12 (tỉnh Điện Biên): Tại K121+350 – K122+800 bị sụt, hiện đang tiến hành làm đường tránh, dự kiến đến ngày 10/8/2015 sẽ thông xe bước 1. Quốc lộ 3B (tỉnh Lạng Sơn): Nước sông dâng cao làm ngập 4 vị trí (cầu Pác Rào Km77+152; cầu Vàng Ma Km77+521; Km82+604 và Km89+500). Đối với các tuyến đường giao thông tỉnh lộ, địa phương đã chỉ đạo khắc phục, đến nay cơ bản đã thông xe.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Trong ngày 4/8, lũ trên sông Thương, sông Cầu sẽ đạt đỉnh sau đó xuống chậm. Các sông Lục Nam, sông Thao tiếp tục xuống. Trên sông Đà lưu lượng nước đến hồ Sơn La đang giảm; lưu lượng nước đến hồ Hoà Bình đã đạt đỉnh là 5750 m3/s lúc 7h ngày 3/8 và đang giảm. Mực nước hạ lưu sông Hồng đang lên, lúc 7h ngày 4/8 mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 5,42m. Mực nước hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại đang lên nhanh, lúc 7h ngày 4/8 lên mức 4,10m. Lưu lượng nước đến hồ Sơn La, hồ Hoà Bình tiếp tục giảm. Mực nước hạ lưu sông Hồng tiếp tục lên, đến 7h ngày 5/8 mực nước sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên mức 5,50m. Mực nước hạ lưu sông Thái Bình sẽ tiếp tục lên sau đó sẽ xuống dần.

 

Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình thủy lợi - Tổng cục Thủy lợi, các hồ chứa lớn ở tỉnh miền núi phía Bắc đều đạt từ 55-70% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt 100% dung tích thiết kế: Làng Thum (Bắc Giang), Bến Châu, Khe Chè, Quất Đông (Quảng Ninh), Ngòi Vần (Phú Thọ), Chiềng Khoi (Sơn La). Các hồ có cửa van đang xả để hạ thấp nước là hồ Đầm Hà Động đang xả 3/3 cửa với lưu lượng 60m3/s, Trúc Bài Sơn đang xả với lưu lượng 20m 3/s. Các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý có tràn tự do hầu hết đã đạt 60-80% dung tích thiết kế./.

Có thể bạn quan tâm