Các địa phương chủ động ứng phó với bão số 1

* Hải Phòng: Trước nhận định cơn bão số 1 có ảnh hưởng lớn trên vùng biển Vịnh Bắc bộ nhất là trong thời gian chính vụ khai thác cá, các lực lượng chức năng Thành phố Hải Phòng đã khẩn trương thông tin, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh bão an toàn. Đến 19 giờ hôm nay (23/6/2015), đã có hơn 4.000 phương tiện với hơn 11.400 lao động đã về nơi an toàn.

Tàu thuyền về neo đậu tránh bão tại âu cảng Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên (Thành phố Hải Phòng). Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Tàu thuyền về neo đậu tránh bão tại âu cảng Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên (Thành phố Hải Phòng). Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, hiện trên sông, biển vẫn còn 578 phương tiện với 1.284 lao động đang hoạt động, lực lượng chức năng đang yêu cầu các phương tiện này khẩn trương vào nơi tránh, trú bão. Từ 17 giờ ngày 23/6, Hải Phòng tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến vận tải đường thủy nội địa, các tuyến phà sông, biển.

Để bảo đảm ứng phó kịp thời trong bão Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hải Phòng yêu cầu các địa phương duy trì lực lượng 43 nghìn người sẵn sàng ứng trực hộ đê, đặc biệt tại các tuyến đê xung yếu. Lực lượng do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đảm nhiệm và hợp đồng hơn 10.000 người, 46 xe ôtô các loại, 18 tàu và xuồng cao tốc, bốn xe lội nước; lực lượng do Bộ đội biên phòng đảm nhiệm và hiệp đồng 225 người, 14 tàu, 37 xuồng, 19 xe ôtô các loại. 

* Để chủ động đối phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ và sạt lở đất, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng, thấp, chủ động phương án phòng ngừa, ứng phó, đảm bảo an toàn đối với các khu vực có nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất; khẩn trương triển khai thực hiện các phương án phòng tránh, sẵn sàng đối phó với các tình huống bão, lũ, sạt lở đất... có thể xảy ra.

Các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu; triển khai các phương án, biện pháp bảo đảm an toàn công trình, đặc biệt đối với các công trình hồ, đập có nguy cơ mất an toàn cao như: Cao Lan, Hua Khao huyện Tràng Định; Khuổi Chủ, Bản Cưởm huyện Cao Lộc; Khuôn Pinh huyện Hữu Lũng... Chủ đầu tư, các Ban quản lý, các nhà thầu đang thi công chủ động di dời lán trại ra khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình. 

* Ngày 23/6/2015, UBND tỉnh Thái Nguyên và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ra Công điện về việc phòng ngừa, ứng phó với cơn bão số 1. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã và các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức theo dõi, cập nhật liên tục diễn biến của mưa, bão; tuyên truyền và cảnh báo nhân dân sống gần khu vực nguy hiểm như khu khai thác khoáng sản, vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng, thấp, đường tràn, ngầm... biết và chủ động phòng ngừa, ứng phó, đảm bảo an toàn cho các hồ đập và đề phòng lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng không đảm bảo an toàn.

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện tổ chức trực 24/24h và thường xuyên báo cáo với Ban chỉ huy cấp tỉnh mọi diễn biến về ảnh hưởng của cơn bão./. 

Có thể bạn quan tâm