Các dạng đau đầu và cách phòng tránh

Các dạng đau đầu và cách phòng tránh
Thông thường chứng đau đầu dễ bị bỏ qua nhưng có chứng đau đầu là triệu chứng của một số bệnh khác nên mọi người cần biết để đi khám và điều trị kịp thời.

Ðau đầu do căng thẳng thần kinh

Chứng đau đầu này thường xảy ra khi bị căng thẳng, lo lắng, hạ đường huyết. Đôi khi đau đầu kéo dài hàng giờ. Chứng đau đầu do căng thẳng khiến người bệnh có thể thấy nặng đầu hoặc cảm thấy có sợi dây thắt chung quanh đầu hoặc đau một bên đầu. Một số người cảm thấy uể oải, nặng đầu và nóng rát ở trên hai mắt. Đau đầu cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ cằm, cổ và hai vai. Người bệnh ít khi xác định được chính xác điểm bắt đầu của cơn đau.

Ðau đầu từng chuỗi

Là một loại đau đầu do căn nguyên mạch máu, gặp chủ yếu ở nam giới tuổi trung niên và phần lớn là có hút thuốc. Các cơn đau xuất hiện sau khi ngủ từ 1 đến 3 giờ và khi tỉnh dậy, bệnh nhân đã thấy đau đầu nặng. Các cơn đau hay tái phát, ngày có thể đau nhiều lần và kéo dài nhiều ngày hay nhiều tuần liền. Cơn đau chỉ khu trú ở một nửa đầu, đau nhiều ở sau mắt lan ra trán và thái dương, cảm giác đau ở sâu và không đập theo nhịp mạch. Có thể kèm theo các triệu chứng như mặt nề, chảy nước mắt, ngạt mũi, chảy nước mũi, ra nhiều mồ hôi, sa mí mắt và co đồng tử cùng bên, không buồn nôn và nôn. Hiện nay loại đau đầu này được coi là rối loạn thần kinh - hóa học có chu kỳ của cơ thể.

Các chứng đau đầu gây nhiều phiền toái cho người bệnh.
Các chứng đau đầu gây nhiều phiền toái cho người bệnh.

Ðau đầu từng cơn

Những cơn đau dạng này khá hiếm. Nó là một đợt đau đầu từng cơn xảy ra vào nửa đêm, kéo dài từ 15 phút tới 3 tiếng và có cảm giác như có một mũi khoan đang xuyên vào mắt bạn. Khi bị đau, càng nằm càng không thoải mái, bạn nên đi lại vòng quanh. Nếu cơn đau tăng lên hoặc đau đến mức không chịu được, hãy đến bệnh viện khám để được kê đơn thuốc giảm đau.

Đau đầu từng cơn thường dễ xảy ra khi đồng hồ sinh học của bạn bị rối loạn. Khi thay đổi múi giờ hoặc thời khóa biểu, mất giấc ngủ trưa, uống nhiều rượu bia...

Chứng đau đầu rối loạn vận mạch

Đau đầu vận mạch là chứng đau đầu do sự co thắt của các mạch máu vùng đầu và vùng sọ não. Hiện tượng thường gặp nhất là sự co thắt của thái dương. Tình trạng co thắt động mạch làm cho một số bộ phận của não có thể bị thiếu máu tạm thời. Chính vì vậy, người bệnh sẽ có cảm giác đau vì có sự xuất hiện của một số chất hóa học trung gian - chỉ tồn tại trong điều kiện thiếu ôxy.

Người bệnh có cảm giác đau đầu đột ngột, đau ngang thái dương, tim đập nhanh hơn, kèm theo mất ngủ, người mệt mỏi... rất có thể đã bị chứng đau đầu vận mạch. Đau đầu vận mạch thường kèm theo các triệu chứng như: hoa mắt, nhức mắt, giảm thị lực, rối loạn giấc ngủ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đau đầu rối loạn vận mạch: Thời tiết thay đổi thất thường đã tác động vào sự quá nhạy cảm của mạch máu, ngoài ra yếu tố môi trường âm thanh quá ồn ào, các loại thực phẩm nhiễm hóa chất gây xơ vữa mạch, yếu tố di truyền từ gia đình chiếm tỉ lệ cao, do thói quen sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá khiến hệ thống mạch máu não hình thành các mảng bám gây hẹp, làm xuất hiện nhiều nếp gấp biến dạng, máu lưu thông chậm hình thành các cục huyết khối lắng cặn gây tắc nghẽn mạch máu não. Yếu tố công việc, stress, căng thẳng thường xuyên cũng làm sự tuần hoàn máu cơ thể kém, do phải tập trung cao độ lượng ôxy theo máu không cung cấp đủ cho não gây đau đầu.

Biến chứng thường gặp của bệnh đau đầu rối loạn vận mạch: Chứng đau đầu này hay biến chứng thêm sang viêm xoang, ù tai, viêm mũi, họng, táo bón, bệnh về dạ dày, bệnh trĩ... Cơn đau có thể tái phát theo chu kỳ hàng năm, hàng tháng, có khi cơn đau tái diễn hàng tuần kéo dài 2 - 3 ngày liên tục, những trường hợp này bệnh đã vào thời kỳ mạn tính.

Ðau đầu vì viêm xoang

Thường thấy đau nhức ở vùng mặt, ở trán, dưới trán, quãng dưới trán tới hai bên má, sống mũi. Sự viêm nhiễm và nước mũi gây khó chịu cho người bệnh ấn tay vào vùng viêm cũng làm đau thêm. Nguyên nhân có thể do cảm lạnh, dị ứng với một số phấn hoa, một số vấn đề ảnh hưởng tới đường hô hấp như không khí bị ô nhiễm.

Người bệnh đau đầu cần thiết gặp bác sĩ khi nào?

Trong những tình huống sau, người bệnh đau đầu nên gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời: Nhức đầu dữ dội, uống thuốc giảm đau thông thường vẫn không thuyên giảm và không thể chữa trị tại nhà. Chứng nhức đầu liên tục xảy ra hơn 3 lần mỗi tuần mà không biết rõ nguyên nhân. Chứng nhức đầu xảy ra thường xuyên và nặng hơn. Chứng nhức đầu làm mất ngủ hoặc nặng hơn vào buổi sáng.

Để phòng tránh đau đầu, mọi người cần giảm trạng thái căng thẳng tinh thần. Thư giãn trước và sau khi làm điều gì đó gây ra nhức đầu. Thường xuyên thay đổi tư thế khi làm việc ở văn phòng và mỗi giờ thư giãn 30 giây. Chú ý thư giãn cằm, cổ, vai và các cơ lưng trên. Tập thể dục hằng ngày để giúp giảm căng thẳng. Ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày. Hạn chế dùng thức uống có chất caffein. Việc dùng nhiều đồ uống có caffein thường làm tăng chứng nhức đầu. Cần giảm từ từ để tránh chứng nhức đầu do bỏ thức uống có chất caffein. Không uống rượu bia và không dùng chất kích thích, dễ gây những cơn đau đầu cấp. Không tự ý dùng thuốc chữa bệnh vì một số thuốc có tác dụng phụ gây đau đầu.

Theo suckhoedoisong.vn

Có thể bạn quan tâm