Các bệnh viện triển khai nhiều biện pháp chống nóng cho người bệnh và người nhà người bệnh

Thời điểm này, miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang trải qua đợt nắng nóng cao điểm, nhiều nơi nhiệt độ lên tới 40 độ C, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Trước tình hình đó, để chủ động phòng, chống nắng nóng cho người dân khi đến khám chữa bệnh, nhiều bệnh viện đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm phòng tránh tác hại nắng nóng gây ra, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân.

Tại Khoa khám bệnh và Khoa khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai, ngoài việc điều chỉnh thời gian bắt đầu tiếp đón bệnh nhân từ 5h00, bệnh viện còn chủ động đảm bảo nguồn điện, nước uống cho người bệnh, lắp đặt các quạt có công suất lớn tại khu vực phòng chờ, khu vực khám bệnh để phục vụ cho bệnh nhân. Hệ thống điều hòa, quạt điện và quạt hơi nước được lắp đặt toàn bộ khu khám bệnh và ngồi chờ khám. Khi bệnh nhân vào viện, nhân viên y tế sẽ chủ động hướng dẫn, giải thích, giảm phiền hà về thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh.

Tại khoa điều trị, bệnh viện đã lắp đặt điều hòa ở các phòng bệnh tại tất cả các khoa điều trị; bố trí, lắp đặt đầy đủ quạt điện đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; duy trì cung cấp nước uống, nước sinh hoạt đầy đủ cho người bệnh. Không để xảy ra tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép, bố trí phòng cách ly theo quy định đồng thời thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện.

Ngoài ra, tại khu vực ngoại cảnh, để giảm nhiệt cho người nhà người bệnh trong thời gian chờ đợi, bệnh viện đã lắp đặt hệ thống phun sương dọc trục đường Trung tâm Cấp cứu A9 và một số khu vực ngồi chờ của người nhà người bệnh. Hệ thống nước uống tại vòi cũng được trang bị miễn phí để phục vụ nhu cầu của người dân khi đi khám chữa bệnh.

Một số bệnh viện khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngay từ những ngày đầu của đợt nắng nóng cũng đã nhanh chóng triển khai tới các khoa, phòng chuẩn bị mọi phương tiện chống nóng cho bệnh nhân đến khám và điều trị. Các bệnh viện chú ý giảm quá tải, bố trí giường bệnh hợp lý, thực hiện khám theo hẹn để hạn chế số người cũng như thời gian chờ đợi tại khu khám bệnh, khu vực thu viện phí. Các bệnh viện tăng cường tuyên truyền cho người bệnh, người nhà người bệnh các biện pháp chủ động phòng, chống nắng nóng cũng như các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh mùa hè.

Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, để chủ động phòng, chống nắng nóng cho người dân đến khám chữa bệnh, ngay từ những ngày đầu bước sang mùa hè, bệnh viện đã rà soát và kịp thời sửa chữa hệ thống điện, điều hòa, quạt, mành che nắng tại các buồng bệnh, hành lang có bệnh nhân ngồi chờ, đảm bảo thoáng mát cho bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh. Bệnh viện đã yêu cầu cán bộ y, bác sĩ khoa khám bệnh đi làm trước 30 phút, cán bộ làm xét nghiệm trả kết quả nhanh nhất có thể để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Bệnh viện bố trí linh hoạt nguồn nhân lực để tăng số bàn khám tại các khu vực tập trung đông người, tại giờ cao điểm để nhanh chóng giải quyết công việc, hạn chế tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong công tác tiếp nhận, phân loại, cách ly điều trị người bệnh.

Để chủ động phòng tránh tác hại do thời tiết nắng, nóng gây ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân:

Mặc đồ nhẹ, rộng, như đồ cotton; ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt.

Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nếu sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà có điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại.

Bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi.

Không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas bởi nó chỉ khiến cơ thể thêm phần mất nước. Lý tưởng nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…

Đối với những người làm việc ngoài nắng nóng lâu, mọi người cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, cần nhanh chóng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất.

Tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

PV

Tin liên quan

Các bệnh thường gặp khi nắng nóng và cách phòng tránh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ở nhiều khu vực trên cả nước có nắng nóng và nắng nóng đặc biệt gay gắt, có nơi hơn 40 độ C. Đây là nguyên nhân khiến các bệnh về hô hấp; tiêu hóa; tim mạch… tăng cao.


Đề phòng sốc nhiệt do nắng nóng kéo dài ở ba miền trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 31/5, chỉ số nóng bức (HI- Heat Index), chỉ số tia cực tím (UV) tại ba miền trên cả nước đều ở mức nguy hiểm và gây hại rất cao; đặc biệt là tại các khu vực đang diễn ra nắng nóng diện rộng như Bắc Bộ, Trung Bộ.


Phòng tránh bệnh do nắng nóng ở người già và trẻ em

Những ngày này, ở Bắc Bộ và Trung Bộ trời nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Ngày 23/6, nền nhiệt độ cao nhất ở Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến 37-40 độ C, có nơi 41-42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 30-50%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10-18 giờ.


Bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng

Trong những ngày gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang ở mức rất cao, có nơi lên đến trên 40 độ C, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.



Đề xuất