Cà phê vối sau khi trồng tái canh cho năng suất rất cao ở Tây Nguyên

Cà phê vối sau khi trồng tái canh cho năng suất rất cao ở Tây Nguyên
Cây cà phê là cây công nghiệp xóa đói giảm nghèo chủ lực và mang thương hiệu đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hoài Nam - TTXVN
Cây cà phê là cây công nghiệp xóa đói giảm nghèo chủ lực và mang thương hiệu đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hoài Nam - TTXVN
Các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện tốt quy trình trồng tái canh cà phê vối, nhất là phân loại vườn cà phê trước khi trồng tái canh, ghép cải tạo dựa vào độ tuổi của vườn, mức nhiễm bệnh vàng lá chết cây theo tỷ lệ bệnh, cấp bệnh và năng suất của vườn cà phê để lựa chọn các biện pháp kỹ thuật tái canh phù hợp. Đặc biệt, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đã đưa vào trồng tái canh phần lớn các giống cà phê vối cao sản mới như TR4, TR9, TR11, TR12, TR13, TRS1… Đây là các giống cà phê không những cho năng suất cao, chất lượng nhân tốt mà còn chống chịu bệnh gỉ sắt rất cao. Có một số giống như TR4, TR15 có thời điểm chín từ tháng 1 đến tháng 2 đã vào mùa khô hanh Tây Nguyên nên rất thuận lợi cho việc thu hái, chế biến sản phẩm, giảm áp lực công thu hoạch, nhất là giảm được một đợt tưới so với các giống chín sớm, chín trung trung bình. Bên cạnh đó, các nông hộ cũng thực hiện tốt việc trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao trong vườn cà phê mới trồng tái canh, ghép cải tạo để không những làm cây che bóng, chắn gió, cải tạo môi trường sinh thái từng tiểu vùng mà còn tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích. Các nông hộ cũng thực hiện tốt việc đầu tư chăm sóc, tưới nước, bón phân cân đối, hợp lý…nên tạo điều kiện cho các vườn cà phê mới trồng tái canh, ghép cải tạo phát triển, cho năng suất cao, ổn định. Các huyện Di Linh, Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã có hàng chục ngàn hécta cà phê mới trồng tái canh đi vào kinh doanh ổn định đã cho năng suất từ 4 đến 7 tấn cà phê nhân/ha. Ông Trần Văn Ngoạn, Lê Văn Dũng ở xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột mỗi gia đình có gần 1 ha cà phê nhưng đã già cỗi (trên 22 năm) hết chu kỳ kinh doanh nên năng suất rất thấp. Năm 2013, sau khi kiểm tra, xác định vườn cây không bị nhiễm bệnh, hai gia đình ông Ngoạn và ông Dũng đã mạnh dạn chặt bổ toàn bộ diện tích cà phê già cỗi, không thực hiện luân canh mà tiến hành cày, rà rễ, phơi đất 5 tháng sau đó xả hỗ, đào đất bón lót bình quân mỗi hố 18 kg phân hữu cơ, đưa giống cà phê TR4, TR9 và trồng đại trà. Nhờ đầu tư chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, chỉ sau 2 năm, các vườn cà phê của gia đình ông Ngoạn và ông Dũng đã cho thu hoạch. Niên vụ cà phê 2016 - 2017, các vườn cà phê này đã cho năng suất bình quân 5 tấn cà phê nhân/ha... Theo kế hoạch, từ năm 2014 đến 2020, các tỉnh Tây Nguyên tái canh khoảng 120.000 ha; trong đó, trồng tái canh 90.000 ha, ghép cải tạo 30.000 ha. Diện tích cà phê tái canh tập trung chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk. Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng tái canh, ghép cải tạo được trên 78.820 ha, trong đó, tỉnh Lâm Đồng tái canh được 43.625 ha, kế đến là tỉnh Đắk Lắk tái canh được trên 20.500 ha…
          Quang Huy

Có thể bạn quan tâm