Cà Mau phát triển đa dạng sản phẩm du lịch để thu hút du khách

Du khách tham quan Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN
Du khách tham quan Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Sản phẩm du lịch của tỉnh Cà Mau tuy đã được cải thiện nâng cao về chất lượng nhưng lại thiếu tính đa dạng, chưa tạo được chuỗi sản phẩm dịch vụ vui chơi, giải trí để thu hút du khách lưu trú dài ngày tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Khai thác sản phẩm du lịch chủ lực

Cà Mau hiện có ba tuyến du lịch chính gồm: Cà Mau - Khu du lịch Mũi Cà Mau, Cà Mau - Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Hòn Đá Bạc và Cà Mau - Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm. Tuyến Cà Mau - Khu Du lịch Mũi Cà Mau được xác định là tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh để tập trung phát triển trở thành Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030.

Cà Mau phát triển đa dạng sản phẩm du lịch để thu hút du khách ảnh 1Du lịch sinh thái đang là điểm nhấn quan trọng thu hút du khách đến thăm Đất Mũi Cà Mau. Ảnh: Thế Anh - TTXVN

Ngành Du lịch Cà Mau xác định rõ sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt có tính quyết định đến sự phát triển du lịch của địa phương, từ đó tập trung xây dựng và phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh. Từ việc chú trọng khai thác các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, đặc thù của địa từng phương không chỉ có tác dụng thu hút đông đảo du khách, mà còn từng bước phát triển thương hiệu du lịch Cà Mau có sức cạnh tranh so với khu vực và cả nước. Trong đó, phải kể đến các tuyến du lịch tham quan xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là một trong những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng tạo được sự khác biệt đang được ngành Du lịch khai thác có hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng Đề án Làng Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau nhằm phát triển sản phẩm tham quan, trải nghiệm, văn hóa, ẩm thực, sản vật đặc trưng... Đây là sản phẩm du lịch có sự khác biệt và đủ sức cạnh tranh.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, ‘‘Các tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau được tỉnh xác định là một trong những sản phẩm du lịch chủ lực, trọng tâm của Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Do vậy, Sở định hướng vừa tập trung khai thác, vừa đầu tư nâng cấp cho xứng tầm; đồng thời, vận hành, khai thác và duy tu bảo dưỡng các công trình trong Khu Du lịch để tạo thêm sự hấp dẫn thu hút du khách. Tỉnh còn tăng cường kết nối và tổ chức khai thác, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch chủ lực, đặc trưng, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, tạo sức hấp dẫn, độc đáo để thu hút du khách.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhờ nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thu hút khách du lịch, ngành Du lịch Cà Mau đã thu hút được 274.200 lượt khách, đạt doanh thu trên 374 tỷ đồng. Trong số hơn 161.000 lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn có gần 2.400 lượt khách tham quan, trải nghiệm du lịch tuyến xuyên rừng.

Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch

Sản phẩm du lịch của tỉnh từng bước được cải thiện nâng cao về chất lượng nhưng lại thiếu tính đa dạng, chưa tạo được chuỗi sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí để thu hút du khách lưu trú dài ngày tại Cà Mau. Thêm nữa là công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa thu hút được sự tham gia tích cực của doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế cũng ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh.

Cà Mau phát triển đa dạng sản phẩm du lịch để thu hút du khách ảnh 2Du khách tham quan Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Do đó, năm 2021, tỉnh tổ chức chuỗi hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong khuôn khổ Chương trình sự kiện ‘‘Cà Mau - Điểm đến 2021’’. Đây là dịp để tỉnh thu hút du khách; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tìm hiểu đầu tư, xây dựng hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, kết nối các tour, tuyến và điểm du lịch giữa Cà Mau và các tỉnh trong khu vực.

Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Du lịch Cà Mau đang tập trung phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch phù hợp như: du lịch địa lý, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với hệ thống rừng ngập nước và du lịch ngư, nông, lâm nghiệp; chú trọng đầu tư xây dựng và mở rộng điểm du lịch văn hóa, lịch sử tại các khu di tích trong tỉnh; tập trung hình thành các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm... Ngoài ra, ngành Du lịch Cà Mau đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Đất Mũi, nhất là xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau; phát huy giá trị Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau phục vụ phát triển du lịch sinh thái để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Cà Mau sẽ nghiên cứu xây dựng, phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ du khách cả hai mùa mưa và nắng; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP; hỗ trợ người dân xây dựng điểm sản xuất, trưng bày kinh doanh sản phẩm lưu niệm phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.

Đề cập vấn đề phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân cho biết, thời gian tới, Cà Mau có kế hoạch cụ thể đề xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia các dự án mang tính động lực để thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh. Cà Mau ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục thu hút đầu tư, hỗ trợ thuê đất sử dụng ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường; khuyến khích đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc kết hợp với du lịch tại khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ…

Đồng thời, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt Quyết định số 774/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030. ‘‘Thời gian tới, Cà Mau quyết tâm huy động mọi nguồn lực để tập trung phát triển ngành Du lịch Cà Mau trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Sự quan tâm này sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế của tỉnh cùng phát triển’’, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân nhấn mạnh.

Kim Há

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm