Cà Mau nỗ lực bảo vệ rừng trước nguy cơ cháy trong mùa khô hanh

Ngày 20/5, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa to, nhưng vẫn không đủ làm giảm áp lực phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ca Mau no luc bao ve rung truoc nguy co chay trong mua kho hanh hinh anh 1Hiện trường vụ cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Huỳnh Thế Anh-TTXVN

Hơn 43.500 ha rừng ở Cà Mau đang đặt trong tình thế cực kỳ nguy hiểm, dự báo cháy cấp 5 (cấp dự báo cháy cao nhất); phần lớn tập trung ở huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời và Cụm đảo Hòn Khoai.

Chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Bé Ba cho hay, thời tiết diễn biến phức tạp đã làm cho toàn bộ rừng (chủ yếu là cây tràm, keo lai) ở các xã Nguyễn Phích, Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Thuận... bị khô, nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nắng nóng gay gắt kéo dài kể từ đầu tháng 4 đến nay, khiến mực nước dưới kênh, mương trữ nước trong các lâm phần bốc hơi rất nhanh. Hiện, bình quân lượng nước trữ dưới kênh chỉ còn khoảng 1m. Trong khi đó, một số tuyến kênh mương trong lâm phần bị ‘‘trơ đáy’’, gây nhiều khó khăn trong công tác phòng, cháy chữa cháy rừng.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, UBND huyện U Minh thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, chủ rừng phối hợp với hơn 2.000 hộ dân thuộc diện nhận khoán đất rừng tập trung bảo vệ rừng, không được chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô, quyết tâm không để xảy ra cháy lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm ‘‘4 tại chỗ’’; đồng thời, chuẩn bị cây giống và các điều kiện cần thiết để triển khai trồng rừng đạt chỉ tiêu năm 2020.

Mùa khô năm nay kéo dài đang đặt trên vai những người giữ rừng với trọng trách rất lớn. Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau Lê Văn Hải cho biết, tỉnh đã chủ động các giải pháp ứng phó với tình huống xấu nhất có thể. Các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, chủ rừng và người dân đã ý thức rõ vấn đề phòng cháy rừng là giải pháp tối ưu nhất; đặc biệt là phát hiện sớm mũi cháy và huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để kịp thời dập tắt đám cháy, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện gió Đông Nam và có mưa xảy ra cục bộ ở một số nơi, nhưng tần suất và lượng mưa chưa nhiều. Dự báo của cơ quan chức năng, từ nay đến đầu tháng 6/2020, có khả năng xuất hiện mưa trên diện rộng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 20/5, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy nhỏ làm thiệt hại khoảng 1,3 ha rừng. Các vụ cháy chỉ xảy ra ở khu vực rừng sản xuất, rừng tái sinh. Trong số các vụ cháy trên có 2 vụ cháy đã xác định được nguyên nhân, do người dân đốt gốc cây mục làm cháy lan vào rừng và người dân lén vào rừng lấy trộm mật ong gây cháy.

Kim Há

Tin liên quan

Huyện biên giới Ia H'Drai nỗ lực bảo vệ rừng trong tháng cao điểm khô hạn

Cứ bước vào tháng 4-5, tháng cao điểm của khô hạn, huyện biên giới Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) lại phải gồng mình chống hạn. Những cánh rừng xanh bạt ngàn nơi vùng biên giới trở nên xơ xác với cái nắng gắt, do vậy cháy rừng luôn tiềm ẩn nguy cơ rất cao. Trước tình hình đó, công tác phòng chống cháy rừng đang được lực lượng chức năng triển khai tích cực, đồng bộ với nhiều giải pháp thiết thực.


Toàn bộ diện tích rừng Cà Mau đang ở mức báo động cháy cao nhất

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, hơn 43.580 ha rừng trên địa bàn đã chuyển sang cấp độ báo động cháy cao nhất trong mùa khô 2019-2020 (thường từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 5 năm sau). Thời điểm này, tại Cà Mau, tình hình khô hạn diễn ra khốc liệt hơn, nhiều tuyến kênh trữ nước trong khu vực lâm phần cạn kiệt nguồn nước phục vụ chữa cháy rừng. Diện tích rừng bị khô hạn chủ yếu là cây tràm và keo lai.


Gia Lai: Chung tay phòng chống cháy rừng mùa khô hạn

Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô hạn. Nắng nóng kéo dài đã khiến hàng chục nghìn ha rừng tại tỉnh Gia Lai đứng trước nguy cơ cháy cao. Để chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, chính quyền tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phối hợp với người dân sống gần rừng để phát hiện, xử lý kịp thời những vụ cháy rừng khi mới bùng phát.



Đề xuất