Cà Mau nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cà Mau nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 17/5, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2030 nhằm thực hiện Quyết định số 2238 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược gia đình Việt Nam đến 2030 và Quyết định số 85 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2030, giai đoạn 1 từ 2022-2025.

Theo đó, UBND tỉnh định hướng mục tiêu chung phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2030. Đó là: thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng cho gia đình người dân tộc thiểu số về xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình; ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 90% các cơ quan công tác liên quan đến dân tộc cấp tỉnh, huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. 90% các gia đình vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa dân tộc; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, nhất là quan tâm gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số. 80% các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có mô hình truyền thông, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững. 100% trưởng ấp, khóm, người có uy tín ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được phổ biến nội dung về giáo dục đạo đức, lối sống và giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới...

Tỉnh Cà Mau phấn đấu có từ 90 đến 100% địa phương xây dựng quy ước, hương ước của cộng đồng dân tộc thiểu số được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới, được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu; có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em dân tộc thiểu số.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, Cà Mau hiện có 32 dân tộc thiểu số, gần 11.760 hộ, với hơn 48.000 người; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer có hơn 9.730 hộ, với khoảng 39.000 người.

Kim Há

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm