Cà Mau chủ động thích ứng trước rủi ro thiên tai

Cà Mau chủ động thích ứng trước rủi ro thiên tai

Được đánh giá là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Cà Mau đã và đang tích cực triển khai những giải pháp nhằm chủ động trong phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả trong phòng, chống rủi ro do thiên tai. Bởi thực tế, tác động của biến đổi khí hậu đã khiến tần suất, cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất về người và tài sản cho địa phương.

Nhiều thiệt hại to lớn

Theo thống kê, 10 năm qua, Cà Mau mất khoảng 4.900 ha đất rừng ven biển, nguyên nhân được cho là do tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (triều cường cao, thiên tai), làm cho tình hình sạt lở ven biển thêm diễn biến phức tạp, trải rộng từ Đông sang Tây. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng cao khi mà các dự án khẩn cấp chưa được triển khai kịp thời do thiếu và không có nguồn đầu tư.

Thực tế, ven bờ biển Đông của tỉnh Cà Mau không có hệ thống đê, nên tình hình sạt lở hiện đang diễn biến rất nghiêm trọng. Theo tính toán của ngành chức năng địa phương, nếu không kịp thời có giải pháp trong đầu tư hệ thống kè bảo vệ bờ, mỗi năm mất đi khoảng 200 ha.

Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thông tin, hiện nhiều vị trí sâu vào trong từ 45-50 m, tại những vị trí xung yếu, sạt lở tiến sâu vào phía trong từ 80-100 m mỗi năm, gây áp lực lên hạ tầng xây dựng, đặc biệt nguy cơ ảnh hưởng đến đường Hồ Chí Minh.

Theo dự báo, từ đây đến cuối năm, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc sẽ kéo theo mực nước dâng cao, khu vực ven biển Đông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, làm cho tình trạng sạt lở đất ven biển, mất đai rừng phòng hộ thêm nghiêm trọng.

Đã qua, từ nhiều nguồn lực đầu tư, Cà Mau đã tập trung xây dựng trên 40 km đê biển Tây, cùng với đó là hệ thống kè hộ đê kéo dài từ Tiểu Dừa (Khánh Tiến - U Minh) đến thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, ngăn chặn được tình trạng sạt lở, đang tạo được độ bồi lắng phù sa ven bờ, tiến tới khôi phục đai rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, Cà Mau vẫn còn trên 16 km tuyến bờ Tây đang trong tình trạng cần có giải pháp xử lý khẩn cấp bởi mức độ sạt lở rất nghiêm trọng, với nhu cầu nguồn vốn khá lớn trên 930 tỷ đồng, trong khi đó hỗ trợ từ Trung ương chỉ 150 tỷ đồng. Cùng với đó, 20 km cho 4 dự án cần xử lý khẩn cấp bờ Đông chưa có nguồn đầu tư.

Riêng từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 3 thuyền viên mất tích trên biển, 3 người chết, 5 người bị thương và 8 tàu cá và một sà lan bị chìm. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết diễn biến thất thường đã làm thiệt hại về tài sản khoảng 8,828 tỷ đồng. Thiệt hại đáng kể nhất là hơn 7.500 ha cây trồng (chủ yếu là lúa) bị thiệt hại và ảnh hưởng; hơn 500 ha nuôi thủy sản bị ngập, tràn; 149 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 3.030 m; 3 vị trí bờ biển bị sạt lở với chiều dài 1.900 m. Ðặc biệt, từ đầu năm đến nay, 846 căn nhà đã bị thiệt hại, ảnh hưởng; trong đó, ngập 572 căn, sập hoàn toàn 104, tốc mái và hư hỏng 170 căn, hư hỏng 5 công trình.

Chủ động ứng phó

Cà Mau là vùng đất thấp cùng hệ thống sông rạch chằng chịt, trong khi đó triều cường diễn biến ngày một phức tạp hơn, với mực nước dâng mỗi lúc một cao hơn, đã gây ra tình trạng ngập ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, thiệt hại hết sức nặng nề, nhất là hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực rất dễ bị tổn thương khi có thiên tai, thời tiết bất thường.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, để đạt được những chỉ tiêu của ngành đến cuối năm, công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Theo dự báo, từ đây đến cuối năm, những cơn bão vẫn có khả năng xuất hiện gây ảnh hưởng đến khu vực đất liền phía Nam. Do đó, Sở đang cùng với chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại.

Nhằm nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai, tỉnh xây dựng kế hoạch và đang tiếp tục đầu tư củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê điều, các công trình phòng, chống thiên tai, hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm đủ khả năng ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Vấn đề này, ông Tô Quốc Nam cho biết thêm, thời gian qua, Sở tập trung huy động nhiều nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ các dự án tái định cư, định canh nhằm bố trí, sắp xếp lại dân cư tại các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp tổng hợp để giúp người dân vùng biển tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là tăng cường năng lực ngay từ cấp cộng đồng, giảm thiểu tác động tiêu cực của dông lốc, bão, hạn hán và xâm nhập mặn trên địa bàn. Trong đó, dự án "Xây dựng mô hình tổ chức sản xuất gắn với quản lý cộng đồng để bảo vệ nguồn lợi và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân" đang được triển khai là một trong những nỗ lực để giúp người dân giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, hướng tới phát triển bền vững. Dự án hiện nay đang triển khai thực hiện hai mô hình là khai thác nghề lưới cá chét tại huyện Ðầm Dơi và nuôi tôm tích bằng rổ nhựa tại huyện Ngọc Hiển.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra là kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, đủ năng lực, hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp trách nhiệm, quy định cơ chế phối hợp cụ thể giữa các cơ quan, lực lượng, đảm bảo công tác chỉ huy phòng, chống thiên tai kịp thời và thống nhất.

Ðặc biệt, Cà Mau chú trọng nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai thông qua việc tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kỹ năng phòng, chống thiên tai cho các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống và giảm thiệt hại. Trong đó, chú trọng các đối tượng dễ bị tổn thương, kết hợp giữa phương thức truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ, phù hợp với từng đối tượng; tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng trong hoạt động liên quan đến phòng, chống thiên tai…

Thực tế tại địa phương đã chỉ ra, những năm gần đây, thiên tai xảy ra không còn theo một quy luật nhất định nào. Diễn biến khó lường này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, mức độ ảnh hưởng lớn hơn đối với đời sống và sản xuất của người dân. Vì vậy, sự chủ động trong các phương án, kế hoạch ứng phó trước các rủi ro là việc làm cần thiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm