Cá heo robot – hướng tiếp cận nhân văn góp phần bảo vệ động vật hoang dã

Bơi lội tung tăng quanh bể bơi trước sự chiêm ngưỡng của một nhóm khách trải nghiệm, con cá heo trông không khác gì những diễn viên xiếc điêu luyện nhảy qua vòng và nhào lộn tại các công viên giải trí. Tuy nhiên, sinh vật biển này lại là một chú cá heo robot.

Edge Innovations, một công ty công nghệ của Mỹ, đã chế tạo con cá heo robot mang diện mạo y như thật này. Chú cá heo này nặng 250 kg và dài 2,5 m, với lớp da làm từ silicone tiêu chuẩn y tế. Nó được điều khiển từ xa, hoạt động lên tới 10 giờ đồng hồ và có thể tương tác với con người như những con cá heo thông thường. Giá cho mỗi con cá heo máy này không hề rẻ, khoảng 26 triệu USD. Tuy nhiên, các chuyên gia của Edge Innovations cho biết tuổi thọ của cá heo robot lâu hơn và không cần quá nhiều chi phí để nuôi và bảo tồn như các động vật sống khác.

Trao đổi với báo giới, ông Walt Conti, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Edge Innovations, cho biết có khoảng 3.000 con cá heo đang được nuôi nhốt chỉ để phục vụ cho các hoạt động trải nghiệm vốn tạo ra doanh thu vài tỷ USD. Trong khi đó, nhu cầu tìm hiểu về đời sống, thói quen, đặc tính của cá heo của con người vẫn rất lớn. Vì vậy, công ty muốn đưa ra cách tiếp cận hoàn toàn khác, nhân văn hơn, để những người yêu thích cá heo vẫn có thể trải nghiệm tương tác với sinh vật biển này mà không xâm phạm đến cơ thể, cũng như mội trường sống của chúng.

Với ý tưởng trên, Edge Innovations hy vọng rằng trong tương lai, các mô hình động vật robot, vốn được sử dụng trong các bộ phim của Hollywood, sẽ thay thế các loài động vật hoang dã bị giam cầm và biểu diễn tại các công viên giải trí. Những người yêu thích bơi lội có thể ngụp lặn cùng những con robot cá mập trắng lớn hoặc thậm chí là những loài bò sát từng thống trị tại các vùng biển trong kỷ Jura cách đây hàng triệu năm.

Robot cá heo của Edge Innovations đã được Tổ chức bảo vệ động vật PETA đón nhận nồng nhiệt. PETA cho biết những sáng tạo này sẽ góp phần giúp các động vật sống có lại cuộc sống tự do, không còn bị giam cầm để phục vụ các hoạt động giải trí, diễn xiếc. Hiện có khoảng 20 quốc gia châu Âu đã ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế sự hiện diện của các động vật hoang dã trong các rạp xiếc.

Phương Oanh

Tin liên quan

Sự lên ngôi của robot AI trong thời COVID-19

Hình ảnh của những chú robot có thể làm được những việc như con người đã gây ấn tượng mạnh cho những khách hàng tham dự Hội chợ Dịch vụ thương mại quốc tế Trung Quốc (CIFTIS), với chủ đề "Dịch vụ toàn cầu, Thịnh vượng chung", khai mạc ngày 4/9 tại thủ đô Bắc Kinh.


Sáng chế robot diệt khuẩn bằng tia UV

Ngày 26/5, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã trao tặng Bệnh viện Đà Nẵng sản phẩm robot diệt khuẩn bằng tia UV. Robot nặng 55 kg, cao 1,5 m, dài 0,45 m, rộng 0,4 m, có khả năng hoạt động liên tục hơn 2,5 giờ. Với công suất thiết kế hệ thống đèn UV lên đến trên 500W, robot có khả năng diệt khuẩn 99% trong thời gian 30 giây với bán kính từ 1- 2,5 m tùy thuộc vào chủng loại vi sinh vật.


Nhiều robot y tế được nghiên cứu chế tạo phục vụ chống dịch COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Ngành khoa học và công nghệ cũng vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời, trách nhiệm, nhiều giải pháp, sản phẩm được nghiên cứu hoàn thiện để nhanh chóng đưa ra cộng đồng sử dụng, hỗ trợ phòng, chống dịch.



Đề xuất