Cả đời cống hiến cho nghệ thuật Khơ me

Cả đời cống hiến cho nghệ thuật Khơ me

Từ nhỏ, ông Thạch Ka Ri No ở ấp Chà Dư (xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) đã rất mê ca múa và các tuồng tích cổ của dân tộc mình. Biết các chùa trong huyện hay trong xã biểu diễn nghệ thuật là ông đến xem cho bằng được. 14 tuổi, được cha giúp, ông Ka Ri No đã chế tác được loại nhạc cụ và mặt nạ truyền thống đơn giản. Càng làm ông càng say mê. Vài năm sau, ông chế tác được hầu hết các nhạc cụ truyền thống của người Khmer như: đàn Ta-kê, đàn Cò, đàn Gáo, trống Chầu, trống Sa dăm; mão, mặt nạ các nhân vật trong sử thi Ramayana, các bức phù điêu, hoa văn dùng trong kiến trúc chùa, tháp… Đặc biệt là các nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm, thứ không thể thiếu trong nghi lễ truyền thống của người Khmer.

  Ong Ka Ri huong dan con phoi mau tuong chim than.jpg

Ông Thạch Ka Ri No hướng dẫn con phối màu tượng chim thần.

Tiếng lành đồn xa, gần 20 năm nay, những sản phẩm do ông Thạch Ka Ri No làm ra không chỉ đến với các đội văn nghệ và các đoàn nghệ thuật, các chùa Khmer trong tỉnh mà vươn ra khắp các tỉnh, thành Nam bộ. Tuy vậy, cái khó nhất hiện nay đó là nguyên, vật liệu để chế tác sản phẩm này ngày càng khan hiếm, trong khi một số nhạc cụ dù nguyên vật liệu trong nước có sẵn nhưng vẫn chưa thể tạo được độ bền và âm thanh đạt chuẩn, nên phải nhập.

Với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống, từ nhiều năm qua ông Thạch Ka Ri No đã hướng các con mình đi theo nghề. Và ngọn lửa đam mê nghệ thuật đã nhanh chóng truyền đến thế hệ thứ 3 của gia đình. Anh Ak Ka Ra, người con thứ 3 của ông Thạch Ka Ri No, chia sẻ: Mình đã có sẵn nghề nên mình sẽ tiếp tục theo nghề. Bây giờ các chùa rất cần. Về thu nhập thì cũng tạm đủ. Cái nghề nào cũng vậy, có đam mê mới làm được. Tôi nghĩ tôi sẽ tiếp tục truyền nghề cho các con sau này.

   Cac mat na do ong Ka Ri No che tac.jpg

Mặt nạ do ông Thạch Ka Ri No chế tạo.

Hiện nay, có một số loại hình nghệ thuật như Kịch múa Yeak Rom đã bị mai một, nhiều nhân vật không còn cơ hội xuất hiện nữa, nhưng nhân vật chằn Krông Riếp, khỉ Hanuman – hai nhân vật đại diện cho thiện và ác lại xuất hiện liên tục. Hầu hết các xóm, ấp có đồng bào Khmer sinh sống đều có đội múa chằn, múa neak tà. Tại điểm chùa lại có hẳn dàn nhạc ngũ âm và đội trống sa dăm. Chỉ tính riêng tại Trà Vinh, trong số 142 chùa Khmer đã có 125 chùa có dàn nhạc ngũ âm – trống sa dăm, chưa kể hàng chục đội do cá nhân tự lập. 

Ông Thạch Ka Ri No cho biết: “Khoảng 10 năm trở lại, mão, mặt nạ, nhạc cụ truyền thống càng được yêu thích, không chỉ ở Trà Vinh mà tỉnh nào có đồng bào Khmer đều tìm đến đặt mua. Thứ nhất là họ yêu thích, thứ hai là với mong muốn bảo tồn văn hóa truyền thống. Trong khi đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào gìn giữ được bản sắc của mình, như hỗ trợ phí mua dàn nhạc, dàn trống sa dăm, đồng thời thuê cả thầy để hướng dẫn tập luyện”.

 

Năm ngoái, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên Khmer. Ông Thạch Ka Ri No được mời dạy. Điều này không chỉ giúp ông có thêm thu nhập mà còn khích lệ ông sáng tạo hơn nữa.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm