Buông lỏng quản lý, hàng trăm hộ dân canh tác trong vùng lõi rừng tự nhiên ở Đắk Nông

Buông lỏng quản lý, hàng trăm hộ dân canh tác trong vùng lõi rừng tự nhiên ở Đắk Nông
 

Dân canh tác “ổn định” trên đất rừng

Theo chân một người dẫn đường thông thạo khu vực này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Đắk Nông đã tiếp cận nhiều khu rừng tiếp giáp với các khu vực đã bị xóa trắng để lấy đất trồng cây công nghiệp. Tại các khu vực này (ý nói rừng tiếp giáp), phóng viên chứng kiến cảnh nhiều người dân đang xóa dần xóa mòn rừng để chiếm đất sản xuất. Nhiều vạt đất bazan đã được thực bì rừng nguyên sinh tích tụ làm cho màu mỡ cả ngàn năm nay đang bị biến thành đất nông nghiệp. Các loại cây được trồng phổ biến là cà phê, khoai lang, chanh dây, bơ, một số loại cây ngắn ngày và đặc biệt là cây tiêu với trụ tiêu chính là cây rừng vừa bị đốn hạ.

Rừng bị tàn phá, xâm canh, trồng cây công nghiệp trong hai tiểu khu 1668 và 1674 thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông)
 Rừng bị tàn phá, xâm canh, trồng cây công nghiệp trong hai tiểu khu 1668 và 1674 thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) 

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các hộ dân cư trú, “sở hữu”  đất trong khu vực này đều lý giải rằng phần đất mà gia đình mình đang canh tác là được sang nhượng lại. Bà Hà Thị Tuyết Lâm, có hộ khẩu tại tỉnh Lâm Đồng và hiện sống trong tiểu khu 1764 cho biết: gia đình bà mua đất mảnh đất gần 1ha bằng “giấy tay” của một hộ dân đã canh tác trước đó. Số tiền sang nhượng chủ yếu là để trả công khai phá chứ đất đai chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc sang nhượng cũng không được chính quyền địa phương xác nhận. Tuy nhiên, bà Lâm cho rằng việc mua bán đất là có chứ bà không phá rừng và nguyện vọng của gia đình bà hiện nay là được Nhà nước cấp "sổ đỏ" để yên tâm làm ăn (!?).

Bà Hà Thị Tuyết Lâm là trường hợp hiếm hoi chịu tiếp xúc và trả lời các câu hỏi của phóng viên, các trường hợp khác đều lẩn tránh hoặc trả lời là không biết. Nhiều người là chủ đất cũng tự nhận mình là người làm thuê để không phải trả lời các câu hỏi của phóng viên.

Trên thực tế, theo một số người dân xã Quảng Sơn, nhiều năm nay tại khu vực này, tình trạng phá rừng, lấn chiếm và mua bán đất rừng diễn ra công khai, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đặc biệt là đơn vị chủ rừng chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Bên cạnh việc lấn chiếm, mua bán khá dễ dàng, đất rừng ở đây còn bị xâm hại do có độ màu mỡ cao, phù hợp cả với các loại cây ngắn ngày như khoai lang, rau màu, lẫn các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, và đặc biệt là tiêu. Hiện đất rừng khu vực này được rao bán với giá hàng trăm triệu đồng mỗi hecta. Nhiều vườn cà phê, tiêu trong khu vực này đã được từ 3 – 5 năm tuổi và hứa hẹn những vụ mùa bội thu.

Một cánh rừng xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông bị triệt hạ để trồng cây công nghiệp.
Một cánh rừng xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông bị triệt hạ để trồng cây công nghiệp.
 

Chính quyền đang thống kê (!)

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 1668 và 1764 đã xảy ra từ rất lâu; hơn trăm hộ dân đang sinh sống, canh tác trong vùng lõi của rừng tự nhiên nhưng chính quyền xã Quảng Sơn chỉ biết là có phá rừng và lấn chiếm đất rừng. Khi được hỏi đến vấn đề nhân hộ khẩu thì lãnh đạo UBND xã Quảng Sơn trả lời rằng vẫn đang cho thống kê nên chưa thể trả lời cụ thể.

Ông Ngô Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: Tiểu khu 1674 và 1668 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N'Tao quản lý. Tại khu vực hiện đang có nhiều hộ dân lấn chiếm, canh tác, trồng cây nông nghiệp trên đất rừng. Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm nay và đặc biệt tăng mạnh trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Về việc xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng, ông Ngô Quang Sáng cho biết Công ty Đắk N'Tao cũng có chuyển một số hồ sơ vi phạm, và UBND xã Quảng Sơn cũng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Sau đó UBND xã đã yêu cầu công ty trồng lại rừng nhưng công ty này làm chưa triệt để dẫn đến việc đất rừng bị người dân tái lấn chiếm.

Cần giải quyết dứt điểm

Theo một số cán bộ quản lý bảo vệ rừng huyện Đắk Glong, nếu không đưa được những hộ dân sống trong vùng lõi của rừng tại 2 tiểu khu 1668 và 1674 ra khỏi rừng thì chỉ trong một vài năm tới, hàng trăm héc ta đất rừng xung quanh khu vực này có thể bị xóa trắng và biến thành đất nông nghiệp. Đây là một thực trạng và là một vấn đề cấp thiết mà các cơ quan chức năng huyện Đắk Glong cần giải quyết ngay.

Ông Lê Quang Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết thực trạng người dân xâm canh, lấn chiếm, sinh sống trong các lâm phần của các chủ rừng tại huyện Đắk Glong tương đối phổ biến. Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện đang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chủ rừng đi rà soát, thống kê diện tích cũng như số hộ dân đang sinh sống, canh tác trên đất rừng. Chỉ tính riêng hai tiểu khu 1674 và 1668 đã có hơn 120 hộ dân với gần 200 ha đất rừng bị xâm canh.

Các ngành chức năng ở Đắk Nông cần xử lý nghiêm những trường hợp tàn phá rừng tự nhiên để lấy đất canh tác nông nghiệp
Các ngành chức năng ở Đắk Nông cần xử lý nghiêm những trường hợp tàn phá rừng tự nhiên để lấy đất canh tác nông nghiệp

Về phương hướng xử lý, ông Lê Quang Dần cho biết UBND huyện Đắk Glong sẽ xem xét bóc tách các phần đất đã canh tác ổn định từ năm 2010 trở về trước để cấp cho dân ổn định sản xuất. Những diện tích lấn chiếm sau thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1685/CT-TTg (09/2011), UBND huyện sẽ lập hồ sơ xin ý kiến của UBND tỉnh để xử lý với phương hướng sẽ cưỡng chế giải tỏa, thu hồi lại đất và phục hồi lại rừng theo đúng quy hoạch lâm nghiệp.

Rõ ràng, giải quyết hậu quả của việc gần 200ha rừng bị tàn phá, lấn chiếm làm đất nông nghiệp không phải là dễ dàng. Các ngành chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vấn đề này. Đây sẽ là việc làm tạo “tiền lệ” cho việc xử lý các trường hợp tàn phá, lấn chiếm đất rừng sau này, đồng thời cũng thể hiện nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong bảo vệ và phát triển rừng.

 

Có thể bạn quan tâm