Buôn Ma Thuột - Khát vọng và niềm tin

Buôn Ma Thuột - Khát vọng và niềm tin

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã mở màn thắng lợi cho chiến dịch Tây Nguyên, thúc đẩy nhanh tiến trình cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. 47 năm đã qua, thành phố Buôn Ma Thuột đã "thay da đổi thịt". Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói chung, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng ra sức phấn đấu xây dựng thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Buôn Ma Thuột - Khát vọng và niềm tin ảnh 1 Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ảnh: TTXVN

Thành phố anh hùng

Chiến tranh đã lùi xa, song trong tâm trí của những nhân chứng lịch sử, ký ức về một thời hoa lửa, về một Buôn Ma Thuột trong gian khó mà hào hùng vẫn còn vẹn nguyên. Buôn Ma Thuột trong chiến tranh, dân nuôi giấu cán bộ, cán bộ học tiếng của dân, quân dân kề vai sát cánh, bền bỉ chiến đấu. Buôn Ma Thuột sau chiến tranh, mọi thứ hoang tàn, dân cư thưa thớt, rừng rậm mênh mông, đời sống khổ cực, quân và dân bắt tay vào công cuộc tái thiết.

Bà Nguyễn Thị Thúy Vinh, sinh năm 1944, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là y sĩ trong kháng chiến chống Mỹ xúc động chia sẻ, thành phố đã phát triển vượt bậc, năng động, hiện đại, cuộc sống của nhân dân ấm no, hạnh phúc. Sau chiến tranh, người dân không có nhiều phương tiện đi lại, nhà cửa dột nát thì nay nhà nào cũng có xe máy, tivi, nhiều nhà có ô tô, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại sầm uất.

Buôn Ma Thuột - Khát vọng và niềm tin ảnh 2 Già làng Y Siu Byă, buôn M’Đúk, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phấn khởi khi đời sống người dân nâng cao, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

47 năm qua, với sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết xây dựng thành phố ngày càng khang trang, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao.

Theo già làng Y Siu Byă, sinh năm 1952, buôn M’Đúk, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, đường trong buôn đã được bê tông hóa, buôn có điện lưới, nước sạch, trạm y tế, trường mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, bên cạnh các chương trình như 134, 135, 167, Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ vay vốn, cây, con giống, chăm lo cho sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt.

Buôn Ma Thuột - Khát vọng và niềm tin ảnh 3Người dân thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) theo dõi, cập nhật thông tin báo chí mọi mặt của đời sống xã hội. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột đã chung sức đồng lòng thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả, thành phố có 36/43 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt kế hoạch. Tổng thu ngân sách 1.857 tỷ đồng; tăng 1,4% so với năm 2020. Năm 2022, thành phố phấn đấu tổng thu ngân sách đạt 1.961,3 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,25% - 0,35%/tổng số hộ dân.

Đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết luận đề ra phương hướng xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 9/7/2020 ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận 67-KL/TW. Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 19/4/2021 về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 05-NQ/TU đã cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, vai trò của Tỉnh ủy Đắk Lắk, Đảng Đoàn HĐND, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Thành ủy Buôn Ma Thuột trong tiến trình xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Mục tiêu tổng quát được đưa ra là: Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng của Tây Nguyên; người dân có mức sống cao, nằm ở nhóm địa phương dẫn đầu vùng Tây Nguyên, đạt khá của cả nước; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh trật tự bảo đảm vững chắc; là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên về nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến, công nghệ phần mềm, năng lượng sạch và dịch vụ, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Từ Thái Giang, để xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, thành phố tập trung thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Thành phố đang tích cực tháo gỡ những điểm nghẽn trong lĩnh vực đất đai, tạo quỹ đất sạch, thu hút nhà đầu tư, dự án phù hợp để tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo nguồn thu cho địa phương. Bên cạnh đó, thành phố khơi thông nguồn lực, đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với đạo đức công vụ.

Buôn Ma Thuột - Khát vọng và niềm tin ảnh 4 Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết, tỉnh đang xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN  

Tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là đề xuất được nâng hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương lên mức 40%; phân bổ thêm 45% mức chi của các nội dung chi tính theo định mức dân số để tỉnh phân bổ thêm cho thành phố Buôn Ma Thuột; thành lập trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến tiêu thụ cà phê, sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, đặc hữu của tỉnh Đắk Lắk và của vùng Tây Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho rằng cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để khơi thông và phát huy tiềm năng lợi thế của thành phố Buôn Ma Thuột, có thêm nguồn lực xây dựng những đề án, chiến lược để phát triển thành phố thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Song song với việc xây dựng cơ chế đặc thù, công tác điều chỉnh lại quy hoạch, mở rộng địa giới hành chính, phân cấp nguồn lực và một số thẩm quyền cho thành phố đang được tỉnh chú trọng thực hiện, đề xuất. Tỉnh cũng quan tâm đến công tác cán bộ, xây dựng, kiện toàn, củng cố đội ngũ lãnh đạo chủ chốt và cán bộ trong hệ thống chính trị cho thành phố; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chủ trong xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột, xây dựng lối sống của đô thị văn minh, hiện đại.

47 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói chung, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng đang gánh trên vai trọng trách, sứ mệnh xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Ở những ngày tháng Ba lịch sử, khát vọng ấy, niềm tin ấy được tiếp thêm nhiều động lực để mỗi cán bộ, mỗi người dân kế tiếp truyền thống anh hùng, quyết tâm xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, bản sắc, là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm