Bùi Xuân Vinh - người trọn đam mê với nghề báo

Bùi Xuân Vinh - người trọn đam mê với nghề báo

Tôi quen biết nhà báo Bùi Xuân Vinh trong bối cảnh rất đặc biệt. Hơn 20 năm trước, một đồng nghiệp là nhà báo Trần Cường, hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Người Xây Dựng bảo tôi: “Tớ có ông anh đồng hương Nghệ An là nhà báo Bùi Xuân Vinh, hiện đang công tác tại Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, tòa soạn đang cần một chân phóng viên, có trả lương cứng, bảo hiểm đầy đủ, chú cần để tớ giới thiệu”. Và tôi nhận lời. Đó là cơ duyên tôi trở thành đồng nghiệp với nhà báo Bùi Xuân Vinh…

Bùi Xuân Vinh - người trọn đam mê với nghề báo ảnh 1Bìa cuốn sách vừa xuất bản của nhà báo Bùi Xuân Vinh.

Cùng làm việc tại một tòa soạn, càng tiếp xúc với anh, tôi càng quý anh bởi năng lực làm việc, sự chân thành nơi anh. Anh là người cần cù, tỉ mỉ, cực kỳ cẩn thận trong từng bài viết mà bây giờ khó tìm thấy ở lớp nhà báo trẻ hiện nay. Tôi nhớ có lần anh viết về Làng Xô viết Lương Sơn, một “địa chỉ đỏ” trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, anh đi thực tế tới cả tuần, về cặm cụi tới nửa tháng để xong bài bút ký khá dài “Mảnh đất bên dòng Lam Giang” với những nhân chứng sống và tư liệu phong phú. Bài bút ký này đã vinh dự nhận Bằng khen của Ban Tổ chức Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam viết về Đảng Cộng sản Việt Nam và Công tác Xây dựng Đảng năm 2000.

Với bài viết nào, Bùi Xuân Vinh cũng khổ công như thế! “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, anh viết không nhiều nhưng bài nào cũng đáng là những tác phẩm mẫu, có thể đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên ngành báo. Gom nhặt từng hạt vàng, Bùi Xuân Vinh đã xuất bản 3 đầu sách: “Phác họa chân dung”, “Những người đương thời”, “Một thời gửi lại”. Tất cả đều là những bài bút ký báo chí đậm chất văn học, tư liệu ngồn ngộn nhưng vẫn mềm mại.

Khoảng năm 2000, xấp xỉ tuổi 50, anh vẫn cặm cụi đi học thạc sĩ báo chí. Đám trẻ chúng tôi trêu: “Bác chuẩn bị lên sếp à”? Anh cười hiền lành: “Máu đồ Nghệ rồi, học để làm báo tốt hơn, hay hơn. Với lại tớ học để còn làm gương cho con”. Người ta làm luận án thì chọn đề tài dễ, cốt “cho xong”, bằng nào chả là bằng. Đằng này Bùi Xuân Vinh đi chọn một đề tài khó đến mức thầy hướng dẫn cũng phải ngạc nhiên, sao có người dũng cảm thế! Anh chọn nghiên cứu: “Vấn đề trí thức trong cách mạng Việt Nam được diễn đàn trên báo Tổ quốc 1954 - 1988”. Anh tâm sự, khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Văn (năm 1981), anh về làm phóng viên Báo Tổ quốc, cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội. Chính tại cơ quan báo này mà anh được tiếp xúc với các trí thức lớn đương thời như Giáo sư Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Lân, Nguyễn Xuân Nguyên, Nguyễn Khắc Viện… và được các nhà báo đàn anh như Nguyễn Chính, Hàm Châu dẫn dắt. Tuy chỉ công tác tại tờ báo này 7 năm, đến năm 1988, Đảng Xã hội giải thể và tờ báo Tổ quốc hoàn thành sứ mệnh của mình nhưng hiếm ai tình nghĩa như anh. Để làm được đề tài khó và khá “nhạy cảm” này, anh phải đọc hàng ngàn trang báo, đi sưu tầm những bài báo từ năm 1954 đến thời điểm anh làm luận án đã trải qua gần nửa thế kỷ. Anh đến Thư viện Quốc gia lục tìm đọc 410 số báo với hơn 20 ngàn trang in, mất tới nửa năm trời.

Bùi Xuân Vinh tâm sự: “Nhiều lúc mệt quá, nản nhưng cứ nghĩ đến việc phải làm sao để lịch sử báo chí không được quên một tờ báo diễn đàn của trí thức - nơi cất lên tiếng nói chững chạc và tâm huyết của trí thức yêu nước là tớ như được tiếp thêm sinh khí”. Rồi luận án cũng hoàn thành, một công trình nghiên cứu công phu, dày hơn 100 trang khổ A4, khảo cứu tỉ mỉ về Báo Tổ quốc, khẳng định đóng góp của báo góp phần làm nên diện mạo bức tranh báo chí cách mạng Việt Nam từ sau ngày miền Bắc giải phóng (1954) cho đến những năm đầu thời kỳ đổi mới (1988). Luận án cũng làm bật lên vai trò của Báo Tổ quốc đã xác lập được vị trí của người trí thức trong mặt trận đại đoàn kết dân tộc. Báo Tổ quốc đã làm nên “Diễn đàn trí thức” khá sôi nổi, đề cập được một số vấn đề cơ bản của trí thức trong Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và bước đầu thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Tôi còn nhớ hôm bảo vệ luận án, tôi cũng đi dự. Luận án được chấm hạng xuất sắc, nhiều đại biểu dự lễ bảo vệ chân thành phát biểu, luận án này xứng đáng làm đề tài tiến sĩ. Chúng tôi cũng khuyến khích anh tiếp tục phát triển đề tài lên, anh cười bảo: “Cảm ơn các chú động viên nhưng để làm tiếp thì ngoài công sức còn phải có kinh tế nữa, mà đồng lương nhà báo, nuôi con nhỏ đang đi học, vợ lại nghỉ mất sức, cố thế là đã kiệt sức rồi. Với lại mục đích đâu phải để lấy bằng cấp sang trọng mà tớ làm vì tri ân thế hệ trí thức đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tờ báo Tổ quốc - nơi tớ bước vào nghề làm báo”.

“Cơm áo không đùa với khách thơ”. Xong luận án, anh lại lao vào làm việc hăng say. Anh chuyển công tác từ Tạp chí Khoa học và Tổ quốc sang Tạp chí Công nghiệp và được tín nhiệm làm Trưởng ban chuyên đề kiêm Trợ lý Tổng Biên tập. Thời kinh tế thị trường, hẳn ai cũng biết lập ra ban chuyên đề là phải kiếm được quảng cáo, làm kinh tế cho tòa soạn. Khi anh mới sang môi trường mới này, chúng tôi lo lắng thay cho anh. Ông “Đồ Nghệ” này chỉ quen nghiên cứu, viết bài thì cẩn thận “mân mê” từng chữ, sao có thể chạy ào ào theo cơn lốc báo chí thị trường được. Ấy vậy mà Bùi Xuân Vinh không những làm tốt mà còn xuất sắc. Vẫn với phong cách nhẩn nha thế, anh tổ chức chuyên đề, làm sách lịch sử truyền thống các đơn vị lớn, các ngành, rất được tín nhiệm. Hóa ra việc này rất hợp với phong cách nghiên cứu như anh, bởi dân nghiên cứu thường làm kỹ, đầy đủ, chính xác. Nhiều đơn vị còn nói, họ đã tiếp nhiều nhà báo nhưng chỉ khi làm việc với Bùi Xuân Vinh họ mới tin tưởng. Ở mảng sách lịch sử truyền thống này, Bùi Xuân Vinh đã cho ra đời một số cuốn sách về Tổng Công ty Hóa chất mỏ, Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Lân Văn Điển, Tổng Công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC, Công ty Apatit Việt Nam, Công ty Nhiệt điện Uông Bí… Các cuốn sách cho bạn đọc hiểu rõ hơn về đóng góp của những đơn vị kinh tế lớn của đất nước.

Bên cạnh đó, một trong những mảng đề tài yêu thích của Bùi Xuân Vinh là viết về đời sống của đồng bào dân tộc, đặc biệt là các chuyên đề phát triển công nghiệp địa phương, làng nghề truyền thống, các vùng cây nguyên liệu tập trung vào các tỉnh miền núi còn khó khăn, giúp xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc vùng cao như: Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình… Dù tuổi không còn trẻ nhưng anh luôn hăng hái, nhiệt tình với các chuyến công tác vùng sâu, vùng xa. Chỉ cần nghe thông tin ở đâu có mô hình hay, cách làm giỏi là anh tìm đến viết bài. Nhiều bài viết đã trở thành tài liệu phổ biến kiến thức cho đồng bào ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi thành công cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền.

Một ngày đầu tháng 6 này, Bùi Xuân Vinh hẹn gặp tôi để tặng cuốn sách mới tinh vừa xuất bản của anh: “Báo Tổ quốc và Diễn đàn trí thức (1954 - 1988)” do Nhà xuất bản Tri Thức cấp phép. Cuốn sách dựa trên luận án thạc sĩ năm xưa, anh viết và nhuận sắc lại cho phù hợp với kết cấu một cuốn sách. Được đọc lại công trình nghiên cứu của anh, tôi rất xúc động nhưng cũng ái ngại cho anh về khâu phát hành. Bây giờ mạng xã hội lên ngôi, người ta ngại đọc sách, nhất là với sách nghiên cứu thế này. Anh lại cười, nụ cười thật hiền lành và lương thiện: “Tớ in sách vì nghĩ luận án năm xưa nghiệm thu rồi thì bỏ vào kho, ít người biết đến. In sách để có thêm nhiều người biết về đóng góp của Báo Tổ quốc. Một lời tri ân lớp thế hệ trí thức đầu tiên của nước Việt Nam mới. Ai muốn tìm hiểu về lịch sử báo chí thì tìm đọc, thế thôi!”. Chỉ với cái mong muốn “thế thôi” ấy, ở cái tuổi vừa lên lão 70 không phải mấy ai cũng làm được.

Duy Hữu

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm