Bốn điều cần biết về chuyến thăm Cuba của Tổng thống Obama

Bốn điều cần biết về chuyến thăm Cuba của Tổng thống Obama

Chuyến thăm không chỉ là biểu tượng chấm dứt căng thẳng còn tồn tại ở khu vực sau Chiến tranh Lạnh, mà còn mở ra chương mới mối quan hệ vô cùng đặc biệt này.

Chủ tịch Cuba Raúl Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama duyệt đội danh dự tại lễ đón chính thức. Ảnh: Lê Hà - phóng viên TTXVN tại Cuba
Chủ tịch Cuba Raúl Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama duyệt đội danh dự tại lễ đón chính thức. Ảnh: Lê Hà - phóng viên TTXVN tại Cuba

Dù hai nước chỉ cách nhau 145 km tính từ bờ biển Florida của Mỹ nhưng chưa có một Tổng thống Mỹ nào tới thăm “hòn đảo tự do” trong gần 90 năm qua. Vì thế, chuyến thăm Cuba của Tổng thống Obama được dư luận đặc biệt quan tâm, thể hiện quyết tâm mới nhất của chính quyền Obama trong việc bình thường hóa quan hệ với quốc gia láng giềng phía Nam, nơi từng bị xếp vào sách đen của Mỹ. 

Trong chuyến thăm , Tổng thống Obama tái khẳng định ý định thúc đẩy “các lợi ích chung” giữa hai nước và chôn vùi tàn dư cuối cùng của Chiến tranh lạnh. Đây là những kết quả có được sau một thời gian dài hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ hồi tháng 12/2014, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương bất chấp những biến động lịch sử và sự phản đối của đảng Cộng hòa ở Mỹ. Việc Tổng thống Obama đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố, hai bên mở lại Đại sứ quán ở nhau, tiến hành trao đổi tù nhân, nới lỏng các hạn chế du lịch, ký bản ghi nhớ về bảo vệ môi trường và những kết quả đạt được trong chuyến thăm Cuba của Tổng thống Obama đã thực sự thổi luồng gió mới vào nền chính trị Mỹ Latinh nói chung và Mỹ - Cuba nói riêng.

Dân chủ và thẳng thắn

Lâu nay Mỹ luôn chỉ trích Cuba thiếu dân chủ khi nói rằng chính phủ Cuba dùng chính sách đàn áp và đôi khi cả bạo lực để ngăn chặn những người bất đồng chính kiến và những lời chỉ trích công khai. Khi Tổng thống Obama nêu vấn đề dân chủ trong chuyến thăm Cuba, ông được đáp lại bằng những tràng pháo tay chứ không phải sự giận dữ. Người dân Cuba luôn hướng tới dân chủ và dùng chính những hành động của mình để trả lời cho những cáo buộc sai trái từ bên ngoài.

Chủ tịch Cuba Raul Castro (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ tịch Cuba Raul Castro (phải) và
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên thực tế, người dân “đảo quốc tự do” có những tiêu chuẩn và giá trị dân chủ rất cao, thể hiện rõ trong tuyên bố hùng hồn của Chủ tịch Cuba Raul Castro trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama. Trước sự chứng kiến của hàng trăm phóng viên trong và ngoài nước, trong đó có rất đông nhà báo phương Tây, Chủ tịch Raul Castro khẳng định: “Cuba có hồ sơ mạnh về các quyền như quyền được chăm sóc y tế, quyền tiếp cận giáo dục và bình đẳng cho phụ nữ”. Đó là thực tế không thể phủ nhận ở Cuba. Ông cũng đã “phản đòn” khi chỉ trích Mỹ về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vấn nạn bạo lực cảnh sát và hoạt động tra tấn tù nhân ở nhà tù Vịnh Guantanamo.

Trước các câu hỏi của truyền thông Mỹ về vấn đề tù nhân chính trị, nhà lãnh đạo Cuba đã xoáy vào cốt lõi vấn đề khi ông nói rằng “các vấn đề nhân quyền không nên bị chính trị hóa” trước khi có kết luận rõ ràng. Những câu trả lời thẳng thắn và đanh thép của Chủ tịch Raul Castro đã thực sự “gây khó” cho không ít phóng viên phương Tây, những người lâu nay dường như chỉ biết đến Cuba dưới một lăng kính khác, méo mó và không có thật.

Khuyết thiếu bình đẳng

Mặc dù không khí dân chủ, cởi mở và thẳng thắn luôn bao chùm chuyến thăm nhưng dường như khái niệm bình đẳng vẫn khuyết thiếu trong quan hệ Mỹ - Cuba, một trong những mối quan hệ song phương đặc biệt nhất thế giới hiện nay.

Trong tuyên bố mở đầu chuyến thăm, Tổng thống Obama gọi lệnh cấm vận chống Cuba kéo dài hàng thập kỷ qua là “gánh nặng lỗi thời đè lên người dân Cuba”. Nhưng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này lại không thuộc thẩm quyền của Tổng thống, mà nằm trong tay các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ vốn là những người kịch liệt phản đối chuyến thăm cũng như bất kỳ nỗ lực nào nhằm bình thường hóa quan hệ với Cuba. Do đó, dù muốn, chính quyền Obama cũng chưa thể “khai tử” lệnh cấm vận phi lý và lỗi thời này.

Tất nhiên, vị chủ nhân thứ 44 của Nhà Trắng phải đưa ra những lý lẽ riêng để “biện minh” cho thế kẹt đó của mình. “Cho dù chúng tôi dỡ bỏ lệnh cấm vận vào ngày mai, người dân Cuba cũng sẽ chưa thể nhận thấy những tiềm năng của mình nếu không tiếp tục thay đổi tại đây, ở Cuba”, ông nói.

Trong nhiệm kỳ làm tổng thống, ông Obama đã tạo thuận lợi thúc đẩy quan hệ thương mại với Cuba, cụ thể trong hai lĩnh vực nông nghiệp và truyền thông. Du lịch cũng là nhân tố đưa kinh tế Cuba cất cánh trong năm 2015. Gần đây, Chủ tịch Raul Castro cũng đã có những điều chỉnh kinh tế trên tinh thần giữ nguyên vai trò chủ đạo của khối quốc doanh. Trong tương lai, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ trở thành chất xúc tác cho những thay đổi kinh tế mạnh mẽ tiếp theo ở Cuba, song điều đó chưa thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Bước đệm thúc đẩy thương mại

Kể từ khi Tổng thống Obama loan báo quyết định bình thường hóa quan hệ với đảo quốc Caribe, các nhà lãnh đạo ở Mỹ Latinh đã nhận thấy ngay hành động phá băng này là bước đi tích cực đầu tiên cho các thỏa thuận đa phương trong khu vực. Mối quan hệ băng giá giữa Mỹ và Cuba kéo dài hàng thập kỷ qua đã gây ra làn sóng phản đối Mỹ ngay tại chính khu vực từng được coi là sân sau của nước này. Do đó, các nỗ lực bình thường hóa quan hệ Mỹ- Cuba đã xoa dịu những căng thẳng tại Mỹ Latinh, mở ra các cơ hội trao đổi thương mại lớn hơn.

Ngay sau chuyến thăm Cuba, Tổng thống Obama cũng đã tới thăm Argentina để gặp tân Tổng thống Mauricio Macri cùng đệ nhất phu nhân Juliana Awada. Hai bên đã thảo luận về một loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình, người tị nạn, bảo vệ nhân quyền và dân chủ. Chuyến thăm cũng được dư luận đặc biệt chú ý vì đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ tới thăm Argentina trong gần 2 thập kỷ qua.

Tương lai quan hệ không chắc chắn

Khi chỉ còn chưa đầy 9 tháng tại nhiệm, Tổng thống Obama sẽ khó có thể có được những bước cải thiện về chất mối quan hệ với các nước ở khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là Cuba. Tổng thống Obama sẽ rời Nhà Trắng vào đầu năm tới và Chủ tịch Raul Catro cũng sẽ thôi nắm giữ cương vị hiện nay vào năm 2018, để lại những trở ngại không nhỏ cho mối quan hệ song phương nhất là trong bối cảnh Mỹ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm vận cũng như căn cứ hải quân ở Vịnh Guantanamo. Do vậy, tương lai của mối quan hệ này phụ thuộc rất nhiều vào những người lãnh đạo tiếp theo ở cả hai nước, liệu họ có muốn tiếp tục đà cải thiện hiện nay hay sẽ bước sang một khúc rẽ khác.

Có thể bạn quan tâm