Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là chìa khóa trong chăn nuôi, thú y

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là chìa khóa trong chăn nuôi, thú y

Chiều 23/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp với Cục Chăn nuôi và Cục Thú y về tình hình chăn nuôi, kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045; tình hình dịch bệnh và tiến độ sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi. Theo Bộ trưởng, xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh chính là chìa khóa quan trọng nhất trong chăn nuôi, thú y để có thể phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững.

Đảm bảo an toàn dịch bệnh

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, sản xuất chăn nuôi vẫn tăng trưởng đều với các ngành hàng; tái đàn lợn sau dịch phục hồi đúng như kế hoạch đề ra. Theo số liệu thống kê, tháng 01/2021, tổng số đàn gia cầm của cả nước tăng khoảng 6,5% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò của cả nước tăng khoảng 2,2% và đàn lợn của tăng khoảng 16,2% so với cùng thời điểm năm 2020.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, hiện các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh trên lợn, lở mồm long móng, viêm da nổi cục… vẫn đang được khống chế tốt trên cả nước nhưng các đơn vị chức năng, các địa phương cần hết sức lưu ý trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, lý do là bởi đang là thời điểm chuyển giao mùa sau Tết âm lịch nên gia súc, gia cầm dễ bị nhiễm bệnh. Mặt khác, trong 2-3 năm vừa qua, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm yêu cầu an toàn sinh học còn chiếm tỷ cao.

“Đặc biệt là việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm gia tăng rất mạnh do nhu cầu thực phẩm trong giai đoạn Tết, thậm chí là cả nhập khẩu… nên dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có nguy cơ tái phát, lây lan trên diện rộng là rất cao. Thực tế, một số nước hiện nay đã xẩy ra dịch bệnh H8N5 trên gia cầm”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh việc nghiên cứu sản xuất vaccine đối với bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. Hiện nay, cả nước có 42 ổ dịch tại 17 huyện của 8 tỉnh. Tổng số gia súc mắc bệnh là 771 con, số gia súc đã tiêu hủy là 39 con. Nặng nhất hiện nay là tỉnh Hà Tĩnh có 27 ổ dịch và 464 con gia súc mắc bệnh.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Chăn nuôi, Cục Thú y tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý thú y cho thống nhất; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ số trong quản trị, đặc biệt là tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng cường khâu kiểm nghiệm, khảo nghiệm để tham chiếu.

Đối với việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, chọn Bình Phước làm đột phá nhưng phải thử nghiệm thêm cả đối với lợn, bò chứ không chỉ thử nghiệm vùng chăn nuôi an toàn với gia cầm như hiện nay. Việc tổ chức xây dựng vùng an toàn cũng cần kêu gọi xã hội hóa.

Dự kiến đầu quý III có vaccine thương mại

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh việc nghiên cứu sản xuất được vaccine dịch tả lợn châu Phi là mối quan tâm hàng đầu hiện nay. Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố kết quả nghiên cứu, chọn lọc được chủng vi rút để sản xuất vaccine, Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y cùng với các doanh nghiệp (Công ty Navetco) chủ động hợp tác chặt chẽ với đối tác Hoa Kỳ để tiếp nhận chủng giống, tổ chức nghiên cứu, đánh giá an toàn, hiệu lực của vaccine.

Theo báo cáo của Công ty Navetco, sau 5 lần thí nghiệm, vaccine có khả năng bảo hộ 100% số lợn được tiêm và công cường độc trong phòng thí nghiệm; trong điều kiện sản xuất cho thấy đã bảo hộ được 80% số lợn được tiêm vaccine, công cường độc và hiện đang tiếp tục theo dõi được hơn 3 tháng sau tiêm phòng.

Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành vaccine; tổ chức đánh giá vaccine dịch tả lợn châu Phi theo tinh thần khẩn trương nhất, nhưng phải đáp ứng yêu cầu khoa học, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và tuân thủ đúng theo quy định.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trong tuần này Bộ sẽ ký quyết định thành lập Hội đồng Khoa học và nếu mọi điều kiện thuận lợi thì cuối quý II và đầu quý III sẽ có vaccine dịch tả lợn châu Phi thương mại để phục vụ cho phát triển chăn nuôi trong nước.

Về giá bán vaccine dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đang tổng hợp, đánh giá các yếu tố về giá thành vaccine dịch tả lợn châu Phi.

“Chúng tôi xác định giá thành của 1 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi không quá cao so với cơ cấu giá thành sản xuất thịt lợn trong nước", Thứ trưởng Tiến nói.

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, trong 2 tháng đầu năm 2021, dịch dịch tả lợn châu Phi chỉ xảy ra ở phạm vi hẹp, số lợn phải tiêu hủy khoảng 2.000 con. Hiện cả nước còn 73 ổ dịch tại 21 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày.

Hoàng Tùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm