Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến về danh mục nghề nghiệp Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này vừa hoàn thành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục nghề nghiệp Việt Nam.

 

Theo đó, dự thảo này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng tải công khai để lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, danh mục nghề nghiệp Việt Nam đã có căn cứ pháp lý để thực hiện. Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 24 Luật Thống kê quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và nội dung phân loại thống kê quốc gia; trong đó, có danh mục nghề nghiệp Việt Nam.

Trên thực tế, danh mục nghề nghiệp Việt Nam hiện chưa được ban hành dưới dạng văn bản pháp quy mà chỉ được ban hành cùng các cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở để áp dụng.

Danh mục nghề nghiệp Việt Nam 2008 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành tạm thời được sử dụng trong các cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở hiện đã bộc lộ một số hạn chế. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Danh mục nghề nghiệp Việt Nam cần được ban hành để phù hợp với điều kiện thực tế”.

Về nguyên tắc, danh mục nghề nghiệp Việt Nam sẽ phản ánh tất cả các công việc trong hoạt động kinh tế - xã hội ở nước ta trong một giai đoạn nhất định. Danh mục cũng kế thừa những nghề đã áp dụng tốt trong Tổng điều tra dân số và nhà ở và các cuộc điều tra khác.

Các nghề trong danh mục nghề nghiệp Việt Nam phải thu thập được số liệu thực tế. Danh mục nghề nghiệp bảo đảm cập nhật được các nghề mới phát sinh trong một khoảng thời gian nhất định.

Ngoài ra, danh mục nghề nghiệp Việt Nam xây dựng phù hợp với Phân loại chuẩn quốc tế về nghề nghiệp 2008 (ISCO 2008) phiên bản 2012 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Theo Dự thảo, danh mục nghề nghiệp Việt Nam gồm 5 cấp được phân theo kỹ năng, lĩnh vực chuyên môn.

Thúy Hiền

Tin liên quan

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Ngày 18/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Công ty Bosch Rexroth và Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) tổ chức Hội thảo quốc tế “Những yêu cầu mới đối với giáo dục nghề nghiệp do số hóa và công nghiệp 4.0 đặt ra”.


Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu xã hội

Ngày 09/5/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chính thức bàn giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với 50 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (trừ các trường, ngành đào tạo sư phạm), trong đó có 18 trường cao đẳng, 32 trường trung cấp chuyên nghiệp của thành phố cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố quản lý.



Đề xuất