Bộ đội biên phòng Lai Châu thắt chặt tình quân - dân nơi biên cương Tổ quốc

Bộ đội biên phòng Lai Châu thắt chặt tình quân - dân nơi biên cương Tổ quốc

Đóng chân trên địa bàn biên giới Lai Châu, song song với việc thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, các Đồn Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu tích cực phối hợp cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương giúp nhân dân biên giới dựng nhà, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết quân - dân nơi biên giới.

Bộ đội biên phòng Lai Châu thắt chặt tình quân - dân nơi biên cương Tổ quốc ảnh 1Cán bộ, chiến sĩ biên phòng Lai Châu thăm hỏi, quan tâm đến đời sống của bà con. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Tại huyện biên giới Mường Tè, đồng bào La Hủ trước đây được gọi là tộc “lá vàng” bởi họ sống du canh, du cư trong rừng, lợp lán sống tạm, khi lá lợp lán ngả màu vàng lại chuyển đi nơi khác. Sau nhiều năm, nhờ sự tuyên truyền, vận động của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt khi Đề án “Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu tham gia giúp đồng bào La Hủ định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới” được triển khai, đời sống của bà con có sự thay đổi, tình trạng du canh, du cư không còn.

Nhớ lại quãng thời gian khi thành lập bản, anh Phản Lê Xa, ở bản Tân Biên, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè kể lại, ngày đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ đã vận động bố của anh là ông Phản Xạ Chô - một người có uy tín trong cộng đồng người La Hủ dẫn cán bộ, chiến sĩ Biên phòng băng rừng, vượt suối tìm đến từng hộ động viên, thuyết phục bà con từ bỏ cuộc sống du canh, du cư về định cư tại bản mới.

Bộ đội biên phòng Lai Châu thắt chặt tình quân - dân nơi biên cương Tổ quốc ảnh 2Cán bộ, chiến sĩ biên phòng Lai Châu giúp dân lợp lại mái nhà. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Những người lính mang quân hàm xanh đã làm nhà và xây dựng nhiều công trình dân sinh cho bà con ở bản định cư mới. Ngoài ra, các cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn bà con cách trồng lúa, nuôi thả gia súc, gia cầm. Từ đó, tình cảm quân và dân ngày thêm bền chặt, gắn bó.

Anh Phản Lê Xa, ở bản Tân Biên, xã Pa Ủ chia sẻ: “Dân bản biết ơn các chú bộ đội Biên phòng nhiều lắm! Các chú Biên phòng đã giúp người dân dựng nhà, trồng lúa, trồng ngô và cuộc sống của người dân trong bản đã khá lên nhiều so với trước đây”.

Thiếu tá Ngô Văn Phương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết, đóng chân trên địa bàn biên giới, thấu hiểu đời sống khó khăn vất vả của bà con, cùng với nhiệm vụ chuyên môn, Đồn Biên phòng tích cực vận động người dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xóa đói giảm nghèo, dần bỏ hủ tục lạc hậu trên địa bàn. Từ cuộc sống du canh, du cư dựa vào tự nhiên để sinh tồn, người La Hủ hiện nay đã biết làm ruộng nước, nuôi thả gia súc, gia cầm, biết dùng mạng xã hội để trao đổi thông tin, mua bán mặt hàng nông sản họ làm ra...

Bộ đội biên phòng Lai Châu thắt chặt tình quân - dân nơi biên cương Tổ quốc ảnh 3Cán bộ, chiến sĩ biên phòng Lai Châu giúp bà con nhân dân khu vực biên giới làm ruộng để gieo cấy. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Huyện Phong Thổ cũng là nơi có những bản làng của người Dao đang đổi thay từng ngày. Trước đây, người Dao ở xã Ma Ly Pho thường sống trên núi cao, nay đây mai đó. Để giúp bà con định canh định cư, xây dựng cuộc sống mới, cuối năm 2004, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã giao nhiệm vụ cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng đưa bà con người Dao xuống núi lập bản. Bằng sự bền bỉ, kiên trì, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng đã vận động bà con xuống định canh, định cư trên vùng đất mới và bản Hùng Pèng ra đời từ đó.

Là người trải qua những tháng ngày cơ cực, anh Phàn Quấy Trào, bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho thấu hiểu cái đói, cái nghèo. Khi được Bộ đội Biên phòng giúp phát triển kinh tế, anh Trào rất phấn khởi, coi đây là cơ hội để gia đình cải thiện cuộc sống. Với 2 ha đất đồi, anh Trào bắt tay vào trồng chuối. Do khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với loại cây này nên vườn chuối của gia đình anh phát triển tốt, công sức bỏ ra đã thu về trái ngọt. Từ các nguồn thu trong chăn nuôi, trồng trọt, gia đình anh Phàn Quấy Trào đã có tiền xây ngôi nhà mới khang trang và mua sắm ti vi, xe máy, cuộc sống được cải thiện.

Anh Phàn Quấy Trào, bản Hùng Pèng tâm sự, gia đình mình ngày trước rất khó khăn, làm không đủ ăn. Từ khi được cán bộ Biên phòng giúp đỡ về cách trồng chuối nên kinh tế đã khá hơn.

Bộ đội biên phòng Lai Châu thắt chặt tình quân - dân nơi biên cương Tổ quốc ảnh 4Cán bộ, chiến sĩ biên phòng Lai Châu giúp người dân biên giới dựng nhà. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Cuộc sống của bà con bản Hùng Pèng tuy đã khá hơn trước nhưng vẫn còn một số gia đình gặp khó khăn, thiếu thốn về nhà ở. Năm 2022, thực hiện Đề án xây dựng 600 ngôi nhà cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Phong Thổ hay còn gọi là Đề án 645, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Lai Châu đã góp sức cùng các cấp, ngành xây dựng 4 căn nhà cho bà con người Dao, ở bản Hùng Pèng.

Được ở trong ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình, gia đình anh Lý Chỉnh Ngan, bản Hùng Pèng rất vui mừng, phấn khởi, bởi có ngôi nhà kiên cố để ở, anh yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Anh Lý Chỉnh Ngan phấn khởi cho biết, mỗi khi trời mưa, gia đình anh không lo bị dột, anh rất vui và cố gắng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Thượng tá Hà Đức Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng cho hay, ban đầu khi thực hiện Đề án Đồn gặp nhiều khó khăn. Để người dân hiểu, Đồn đã cử lực lượng quần chúng, ban, ngành xuống các hộ dân tuyên truyền, giải thích cho họ hiểu mục đích, ý nghĩa nhân văn của Đề án để phối hợp với Bộ đội Biên phòng tạm thời di chuyển chỗ ở, lấy mặt bằng làm nhà mới. Khi đề án hoàn thành bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi vì có ngôi nhà mới kiên cố để ở.

Bộ đội biên phòng Lai Châu thắt chặt tình quân - dân nơi biên cương Tổ quốc ảnh 5 Cán bộ, chiến sĩ biên phòng Lai Châu thăm, khám bệnh cho bà con. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Thực hiện phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh Lai Châu luôn quan tâm, hỗ trợ người dân sinh sống trên địa bàn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, đến nay, khắp các bản làng khu vực biên giới Lai Châu, lúa, ngô, cây ăn quả xanh tốt; đàn bò, đàn dê ngày càng phát triển về số lượng; những ngôi nhà mới khang trang dần thay thế cho ngôi nhà cũ nát trước đây, tiếng học bài của trẻ nhỏ râm ran khắp làng bản.

Thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu tiếp tục chỉ đạo các Đồn Biên phòng trên địa bàn triển khai chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nền Biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới, qua đó góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế và thắt chặt tình đoàn kết quân - dân nơi biên giới.

Nguyễn Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm