Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp dân phát triển kinh tế

Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp dân thu hoạch nghệ đen. Ảnh: Nguyễn Oanh – TTXVN
Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp dân thu hoạch nghệ đen. Ảnh: Nguyễn Oanh – TTXVN

Song song với việc thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia, các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn tích cực phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương giúp người dân biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới và củng cố mối quan hệ đoàn kết keo sơn quân dân.

Giúp dân phát triển kinh tế

Huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có 97km đường biên giới tiếp giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trên địa bàn huyện có 6 Đồn Biên phòng là: Dào San, Sin Suối Hồ, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, Huổi Luông và Ma Lù Thàng quản lý 12 xã biên giới.

Tới thăm xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ vào những ngày đầu tháng 12, bà con nhân dân nơi đây đang tất bật thu hoạch củ nghệ đen và sắn. Đặc biệt, người dân ai cũng phấn khởi vui mừng khi có cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Huổi Luông xuống giúp bà con thu hoạch.

Năm 2011, gia đình ông Giàng A Sù, ở bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông, được chính quyền địa phương và cán bộ biên phòng xuống tuyên truyền chuyển đổi sang trồng cây chuối. Đến năm 2020, một số diện tích chuối bị già cỗi và chết cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 quả chuối tiêu thụ chậm nên gia đình ông Sù tiếp tục chuyển đổi sang trồng nghệ đen, sắn theo định hướng của chính quyền xã và cán bộ biên phòng.

Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp dân phát triển kinh tế ảnh 1Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp dân thu hoạch nghệ đen. Ảnh: Nguyễn Oanh – TTXVN

Năm nay, gia đình ông Giàng A Sù có 3 ha nghệ đen, 2 ha chuối khoảng 2 nghìn gốc và 2 ha sắn. Thời điểm này toàn bộ diện tích nghệ đen và sắn của gia đình đều đến thời gian thu hoạch nhưng nhà chỉ có 3 lao động nên ông Sù lo lắng khó xong cho kịp thời vụ. Thế nhưng, những lo lắng này được giải quyết khi các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Huổi Luông kịp thời xuống giúp dân.

Ông Giàng A Sù chia sẻ, gia đình ông rất biết ơn khi được cán bộ biên phòng xuống tuyên truyền giúp dân phát triển kinh tế. Đặc biệt, ông vui mừng khi có 3 cán bộ Đồn Biên phòng Huổi Luông xuống giúp gia đình thu hoạch nghệ đen. Cùng với đổi công cho anh em họ hàng và sự giúp đỡ của cán bộ biên phòng, toàn bộ diện tích nghệ đen sắp thu hoạch xong. Từ khi chuyển đổi sang trồng nghệ đen, mỗi héc-ta cho thu hoạch khoảng 3 tấn củ, bán giá 4 nghìn đồng/1 kg. Còn chuối một năm thu được 8 tấn quả và 20 tấn sắn/1 vụ. Trừ chi phí, mỗi năm ông Sù lãi được 160 triệu đồng, trở thành hộ có thu nhập khá trong bản.

Đóng quân trên địa bàn vùng biên giới, với đặc thù là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là về kinh tế. Nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã phối hợp cùng địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, từng bước chuyển biến tư tưởng, khuyến khích người dân tự chủ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa dịch vụ theo cơ chế thị trường, xây dựng bản làng biên giới ngày một ổn định, khởi sắc.

Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp dân phát triển kinh tế ảnh 2Bộ đội Đồn biên Phòng Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) hướng dẫn người dân biên giới chăm sóc cây chè. Ảnh: Nguyễn Oanh – TTXVN

Đại úy Phạm Tuân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông cho hay, với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, thời gian qua, Đồn Biên phòng Huổi Luông luôn tích cực đi đầu trong công tác an sinh xã hội, hết lòng giúp đỡ nhân dân các dân tộc trên địa bàn phát triển kinh tế. Nổi bật là hướng dẫn người dân chuyển đổi hiệu quả mô hình trồng chuối, sắn, nghệ đen, ngô lai, lợn sinh sản, bò giống. Năm 2021, Đồn đã tặng một con bò sinh sản cho một gia đình có hoàn cảnh khó khăn; giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng đường giao thông nông thôn với gần trăm ngày công lao động; tặng gần 200 suất quà cho học sinh, phụ nữ, gia đình nghèo; duy trì hiệu quả 17 tổ/157 hộ gia đình tham gia tự quản đường biên cột mốc và 14 tổ/98 hộ gia đình tham gia tự quản an ninh trật tự.

Theo ông Hoàng A Dọ, Chủ tịch UBND xã Huổi Luông, thời gian qua, lực lượng biên phòng có vai trò quan trọng trong việc giúp địa phương củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ trên địa bàn. Ngoài ra, lực lượng biên phòng còn tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp bà con thu hoạch hoa màu bằng ngày công lao động; hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, làm đất trồng cây và tặng quà cho học sinh, gia đình hoàn cảnh khó khăn… Nhờ có sự quan tâm của lực lượng biên phòng, phong trào xây dựng nông thôn mới của xã có nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt, đặc biệt tiêu chí an ninh trật tự và xóa đối giảm nghèo. Năm 2020, xã Huổi Luông đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Tương tự như Đồn Biên phòng Huổi Luông, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ cũng chú trọng giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế. Mỗi chuyến công tác lên xã Sin Suối Hồ, chúng tôi không khó để gặp hình ảnh bộ đội biên phòng cùng dân lao động sản xuất nông nghiệp với các hoạt động cuốc đất trồng chè, chăm sóc chè, cấy lúa, trồng ngô…

Chị Sùng Thị Sinh, bản Sân Bay, xã Sin Suối Hồ chia sẻ, gia đình chị trồng hơn 4.000 m2 chè cách đây gần 3 năm. Từ lúc trồng cho đến bây giờ, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ thường xuyên xuống hỗ trợ làm đất trồng chè, hướng dẫn cách chăm sóc, kỹ thuật hái... để bán được giá cao.Trung bình một tháng, vợ chồng chị thu hoạch được gần 1 tạ búp chè tươi, mang xuống thành phố bán với giá 10 nghìn đồng/kg, cuộc sống ổn định hơn trước.

Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp dân phát triển kinh tế ảnh 3Bộ đội Đồn biên phòng Huổi Luông (Phong Thổ, Lai Châu) cùng người dân làm đường nông thôn. Ảnh: Nguyễn Oanh – TTXVN

Hiện Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ quản lý 3 xã (Sin Suối Hồ, Bản Lang và Nậm Xe) với chiều dài đường biên giới hơn 9km. Thời gian qua, Đồn tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương 3 xã tổ chức nhiều hoạt động giúp dân phát triển kinh tế. Hàng năm, Đồn cử cán bộ chiến sĩ xuống hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng bệnh trên cây trồng, vật nuôi; khuyến cáo các hộ chăn nuôi dọn vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Khi đến mùa cấy, gặt lúa, Đồn hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách về ngày công lao động.

Không chỉ Đồn Biên phòng Huổi Luông hay Sin Suối Hồ, những năm qua các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều tích cực giúp đỡ nhân dân biên giới phát triển kinh tế bằng ngày công lao động, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị kết nghĩa trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Chẳng hạn như: Đồn Biên phòng Dào San (huyện Phong Thổ) hỗ trợ đưa giống dâu tây vào trồng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng (Phong Thổ) thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản theo chương trình di dân ra khu vực biên giới…

Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp dân phát triển kinh tế ảnh 4Bộ đội Đồn biên Phòng Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) giúp người dân biên giới chăm sóc cây chè. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu tiếp tục tham gia triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nền Biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới như cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, xây dựng nhà ở cho người nghèo… Qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân phát triển kinh tế, có ý thức tự vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống.

Nguyễn Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm