Bình Thuận: Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân

Gỡ bánh sau khi bánh tráng đã được phơi khô. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Gỡ bánh sau khi bánh tráng đã được phơi khô. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Tỉnh ủy Bình Thuận vừa ban hành Chương trình hành động về triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn.

Bình Thuận: Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân ảnh 1 Gỡ bánh sau khi bánh tráng đã được phơi khô. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành Nông nghiệp đạt bình quân từ 2,8 - 3,3%/năm; tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn đạt bình quân trên 10%/năm; số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó có 50% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có từ 10 - 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%...

Đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn Bình Thuận phát triển toàn diện, có thu nhập cao; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bền vững, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước. Địa phương phấn đấu xây dựng nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh - sạch - đẹp, giàu bản sắc văn hóa; quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Tỉnh ủy yêu cầu, các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Các cấp, ngành cơ cấu lại ngành kinh tế nông nghiệp bảo đảm thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; hỗ trợ phát triển nông nghiệp hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ cao và chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tiếp tục đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đơn vị liên quan đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là các khu vực ven đô thị lớn, thị trấn, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị; ưu tiên đầu tư vào các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu không để chênh lệch lớn giữa các vùng; nâng cấp, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, khu neo đậu tránh trú bão, kè chống sạt lở bờ sông.

Tỉnh ủy Bình Thuận khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã doanh nghiệp nông thôn và hộ nông thôn; triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn; phát huy vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc cung cấp tín dụng đối với hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn có nhiều chuyển biến. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực; năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Hoạt động khai thác thủy sản xa bờ được đẩy mạnh gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn khang trang hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững...

Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển chưa vững chắc, chủ yếu theo mô hình hộ nhỏ lẻ, phân tán. Việc liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn nhiều hạn chế; sự tham gia và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn ít. Thị trường, giá tiêu thụ nông sản bấp bênh, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt thấp… Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Kết quả thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn còn ít. Công tác dự báo, thông tin về thị trường sản xuất, tiêu thụ nông sản và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn hạn chế...

Nguyễn Thanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm