Bình Thuận nghiên cứu đa dạng phương thức xuất khẩu thanh long

Tem chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản (phải). Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Tem chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản (phải). Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Ngay sau khi Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam, người trồng thanh long Bình Thuận lại gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, dẫn tới giá thanh long liên tục giảm. Nhiều thương lái đã phải dừng thu mua còn một số ít thu mua cầm chừng.

Bình Thuận nghiên cứu đa dạng phương thức xuất khẩu thanh long ảnh 1 Tem chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản (phải). Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Trước tình hình này, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đề nghị các đơn vị hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình và yêu cầu của thị trường; xem xét lựa chọn các phương thức xuất hàng khác như qua cảng biển, nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ. Đồng thời quan tâm thực hiện giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế qua hợp đồng mua bán ngoại thương. Liên hệ chủ hàng phía Trung Quốc để đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch để giảm thiểu rủi ro mà thương mại tiểu ngạch có thể đem lại.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ người trồng thanh long tiêu thụ trong thị trường nội địa. Song song đó, đơn vị phối hợp triển khai các giải pháp giới thiệu sản phẩm, kênh phân phối nhằm kết nối, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho doanh nghiệp và nông dân của tỉnh…

Tổng diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 33.000 ha với sản lượng hàng năm khoảng 700.000 tấn.

Theo một số nhà vườn trồng thanh long tại xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết, thời gian gần đây, thanh long liên tục giảm giá. Hiện thanh long loại 1 chỉ còn khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, không phải vườn thanh long nào cũng có người mua và thương lái chỉ mua thanh long loại 1, thanh long loại 2-3 không có người mua.

Một chủ vựa chuyên thu mua thanh long xuất khẩu tại thành phố Phan Thiết cho biết, hiện việc thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra rất chậm, nhiều cửa khẩu đã dừng thông quan nên hàng hóa ùn ứ. Hiện thanh long không xuất khẩu được nên phải dừng thu mua.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, qua rà soát, số vựa thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh hiện nay đã tạm ngưng hoạt động, chỉ còn một số ít hoạt động nhưng chỉ thu mua cầm chừng để bỏ vào kho lạnh. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 112 cơ sở thu mua thanh long với trữ lượng tổng kho lạnh khoảng 16.000 tấn. Tuy nhiên, dự kiến sản lượng thu hoạch thanh long từ nay đến cuối tháng 2/2022 là khoảng 120.000 tấn (tương đương 30% diện tích thanh long trên địa bàn). Đây là áp lực rất lớn đối với người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm