Bình Thuận nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Mô hình du lịch sinh thái làng sen của đồng bào Chăm (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: TTXVN phát
Mô hình du lịch sinh thái làng sen của đồng bào Chăm (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: TTXVN phát

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025.

Bình Thuận nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Mô hình du lịch sinh thái làng sen của đồng bào Chăm (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, tỉnh Bình Thuận tập trung phát huy tối đa nội lực, biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để tự lực vươn lên, phát triển và hội nhập; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước.

Trong giai đoạn này, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, từ ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động từ xã hội; gắn kết phát triển kinh tế giữa các địa phương. Bình Thuận tập trung khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững…

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông, 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu 100% phòng học được kiên cố hóa, 50% trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; 98% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm… Tổng kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn (2021-2025) là hơn 850 tỷ đồng.

Để triển khai hiệu quả Chương trình, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện. Các đơn vị liên quan trong Chương trình chịu trách nhiệm rà soát, xác định địa bàn, đối tượng, nội dung chính sách, hướng dẫn địa phương để tổ chức thực hiện bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp với các Chương trình, dự án, Đề án khác và nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị, địa phương.

Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số với hơn 100.000 người, chiếm khoảng 8% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Địa phương tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng cơ sở, sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, nhiều chương trình, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào được triển khai hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống và sự phát triển giữa các vùng miền.

Giai đoạn 2016-2020, Bình Thuận đã đầu tư gần 200 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào đẩy mạnh sản xuất, đồng thời đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học… Nhờ vậy, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường giao thông kiên cố, tạo thuận lợi cho vận chuyển nông sản và đi lại giữa các vùng; 98% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Tình trạng hộ dân không có đất ở, đất sản xuất đã cơ bản được giải quyết. Nếu như vào năm 2016, số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh là 4.250 hộ đến năm 2020, số hộ nghèo chỉ còn 1.700 hộ. Đây là tín hiệu tích cực để Bình Thuận tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, triển khai nhiều giải pháp, từ đó không ngừng nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Nguyễn Thanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm