Bình Thuận: Làm rõ việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại huyện Hàm Thuận Nam

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, Đoàn kiểm tra của Sở vừa tiến hành lập biên bản vi phạm đối với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ VINAMAX do khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trong khu vực thao trường huấn luyện quân sự tại thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam.

Binh Thuan: Lam ro viec khai thac, van chuyen khoang san trai phep tai huyen Ham Thuan Nam hinh anh 1Hình ảnh khai thác, vận chuyển khoáng sản tại khu vực trong thao trường huấn luyện quân sự ở ngọn đồi tại thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Ảnh cắt từ clip - TTXVN phát

Cụ thể ngày 27/7, khi đoàn tiến hành kiểm tra, tại hiện trường vẫn còn một xe máy xúc bánh xích loại lớn và một khu vực trong thao trường huấn luyện quân sự ở ngọn đồi thuộc thị trấn Thuận Nam bị đào bới.

Liên quan đến việc vận chuyển khoáng sản ra khỏi khu vực cải tạo thao trường huấn luyện quân sự này, trước đó UBND huyện Hàm Thuận Nam cũng đã có công văn yêu cầu Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ VINAMAX dừng ngay việc vận chuyển đất dăm sạn tại thao trường huấn luyện quân sự; đồng thời, kết thúc việc vận chuyển đất dăm sạn dôi dư ra khỏi khu vực thao trường huấn luyện quân sự theo kế hoạch.

UBND huyện Hàm Thuận Nam đã giao Phòng Tài nguyên Môi trường huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan và UBND thị trấn Thuận Nam theo dõi, giám sát việc tạm dừng vận chuyển cua Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ VINAMAX tại khu vực trên; tổng hợp, tham mưu UBND huyện báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh trước ngày 30/6/2021.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, việc khai thác, vận chuyển khoáng sản tại đây vẫn diễn ra. Khu vực này chỉ cách Quốc lộ 1A khoảng 1 km và muốn vận chuyển ra Quốc lộ 1A xe phải đi ngang qua trụ sở UBND thị trấn Thuận Nam.

Được biết, tháng 11/2017, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hàm Thuận Nam có kế hoạch nâng cấp, mở rộng trường bắn cấp huyện và thao trường huấn luyện. Thời gian thực hiện từ tháng 11/2017 đến tháng 12/2018. Sau khi thực hiện xong, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hàm Thuận Nam trình UBND tỉnh Bình Thuận xin xử lý vận chuyển đất dăm sạn dôi dư ra khỏi khu vực và tháng 9/2018 được UBND tỉnh đồng ý. UBND tỉnh giao UBND huyện Hàm Thuận Nam giám sát việc thực hiện vận chuyển và sử dụng 20.125 m3 đất dăm sạn dôi dư. Với khối lượng đất dăm sạn dôi dư trên nhưng hàng đoàn xe ben, xe múc hoạt động thời gian dài và diện tích đào bới quanh ngọn đồi nhưng 3 năm qua Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ VINAMAX vận chuyển… chưa xong. Thậm chí khi các cơ quan chức năng yêu cầu dừng, doanh nghiệp này vẫn bất chấp và vẫn hoạt động khai thác, vận chuyển.

UBND huyện Hàm Thuận Nam đã yêu cầu Công ty VINAMAX báo cáo kế hoạch vận chuyển, khối lượng đã vận chuyển, địa điểm đã san lấp (kèm theo hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc vận chuyển 20.125 m3 đất dăm sạn ra khỏi thao trường huấn luyện để sửa chữa, nâng cấp đường trên địa bàn thị trấn Thuận Nam và các xã lân cận) gửi cho UBND huyện để kê khai nộp thuế đối với khối lượng đã vận chuyển ra ngoài.

Trước những phản ánh về hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này, Đại tá Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận đã ký công văn gửi Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hàm Thuận Nam khẳng định kế hoạch nâng cấp, mở rộng trường bắn cấp huyện và thao trường huấn luyện đến nay đã quá thời gian theo quy định (từ tháng 11/2017 đến tháng 12/2018). Do đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hàm Thuận Nam dừng ngay các hoạt động nâng cấp, mở rộng; không cho đơn vị thi công vận chuyển khoáng sản ra ngoài. Trường hợp nếu chưa hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng trường bắn và thao trường phải xây dựng kế hoạch mới trình Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xem xét, phê duyệt mới được triển khai thực hiện.

Công văn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận cũng nêu rõ không lợi dụng việc cải tạo, mở rộng, nâng cấp trường bắn, thao trường để tận thu đất dăm sạn bồi nền dôi dư sử dụng sai mục đích, không đúng qui định của pháp luật, làm mất uy tín của lực lượng vũ trang tỉnh.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có ít nhất 2 văn bản yêu cầu UBND huyện Hàm Thuận Nam kiểm tra khối lượng đã vận chuyển ra khỏi khu vực; nghĩa vụ tài chính mà đơn vị khai thác đã thực hiện và yêu cầu đơn vị khai thác chấm dứt ngay việc vận chuyển khoáng sản ra ngoài khu vực. Tuy nhiên Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa nhận được báo cáo của UBND huyện Hàm Thuận Nam và đơn vị thi công vẫn ngang nhiên khai thác, vận chuyển khoáng sản đi tiêu thụ.

Nguyễn Thanh

Tin liên quan

Vụ khai thác trái phép rừng phòng hộ trên đèo Pha Đin: Tạm đình chỉ thêm Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình

Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ trên đèo Pha Đin (địa phận xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) TTXVN và các cơ quan báo chí đã phản ánh, UBND huyện Tuần Giáo đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình để làm rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng thông trái quy định trên địa bàn.


Hàng chục ha rừng phòng hộ trên đèo Pha Đin bị khai thác trái phép

Rừng thông trên đèo Pha Đin (địa phận thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) được trồng từ năm 1997 do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Theo Kế hoạch số 388/KH-UBND ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh Điện Biên về rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015, diện tích rừng thông trồng theo dự án 327 và dự án 661 trên địa bàn xã Tỏa Tình có mục đích sử dụng là rừng sản xuất.


Gia Lai: Rừng giàu Kbang liên tục “chảy máu”

Kbang là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 120.000 ha. Đặc biệt, với sự góp mặt của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang được xem là vùng trọng điểm về trữ lượng cũng như chủng loại gỗ rừng quý hiếm. Điều này khiến rừng Kbang lâu nay trở thành mục tiêu của các đối tượng “lâm tặc”.



Đề xuất