Bình Thuận không để thiếu hàng Tết ở địa bàn miền núi

Trao quà “Tết sum vầy - Kết nối yêu thương” 2021 cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh" Nguyễn Thanh - TTXVN
Trao quà “Tết sum vầy - Kết nối yêu thương” 2021 cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh" Nguyễn Thanh - TTXVN

Nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm trong dịp Tết Tân Sửu 2021, Trung tâm dịch vụ Miền núi tỉnh Bình Thuận tăng cường đưa hàng bình ổn giá lên địa bàn các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số đón Tết.

Bình Thuận không để thiếu hàng Tết ở địa bàn miền núi ảnh 1 Trao quà “Tết sum vầy - Kết nối yêu thương” 2021 cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh" Nguyễn Thanh - TTXVN

Theo đó, Trung tâm trích khoảng 1,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp để hoạt động để dự trữ hàng hóa và bán hàng tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ tại 11 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức những chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng đến tận nơi phục vụ nhân dân các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa như Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền, Phan Tiến (huyện Bắc Bình); xã Phan Dũng (huyện Tuy phong); Hàm Cần, Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) và Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, La Ngâu (huyện Hàm Thuận Bắc)… trong dịp Tết Đầu lúa và Tết Nguyên đán.

Bên cạnh các mặt hàng thực phẩm thiết yếu được bán bình ổn giá như: gạo các loại, muối, dầu ăn… các mặt hàng khác như nước ngọt, bánh mứt, hóa mỹ phẩm… cũng được bày bán với giá bằng hoặc thấp hơn giá thị trường.

Trung tâm dịch vụ Miền núi tỉnh Bình Thuận cho biết, năm nay hàng hóa trong chương trình bán lưu động đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chủ yếu là hàng Việt Nam, có thời hạn sử dụng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong thời gian bán hàng, các mặt hàng dự trữ sẽ được bán ở mức giá bình ổn, nếu giá thị trường tăng thì các mặt hàng vẫn nằm ở mức giá đã cam kết. Khi giá thị trường xuống sẽ điều chỉnh giá xuống, đảm bảo giá bán các mặt hàng bình ổn bằng hoặc thấp hơn giá thị trường trên địa bàn cùng thời điểm.

Riêng các mặt hàng bình ổn như: gạo, dầu ăn, đường… Trung tâm sẽ đảm bảo đủ số lượng cung ứng theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Đặc biệt, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá trước, trong và sau Tết với tổng trị giá khoảng 152 tỷ đồng. Các mặt hàng dự trữ chủ yếu là lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau củ quả, có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn.

Cụ thể các đơn vị tham gia dự trữ hàng Tết với số lượng lớn như chuỗi siêu thị Co.opMart tại Bình Thuận (hơn 78 tỷ); Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận (hơn 51 tỷ); Công ty Cổ phần Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận (9 tỷ)…

Ngoài việc tham gia bán hàng bình ổn giá, các đơn vị còn tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá và tăng diện tích trưng bày và lượng hàng hóa Việt Nam trên các quầy, kệ bán hàng… nhằm tuyên truyền hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức bán hàng lưu động phục vụ người dân tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Đối với huyện đảo Phú Quý, mức dự trữ của các sơ sở, hộ kinh doanh và dự trữ tại các hộ gia đình bảo đảm lượng hàng hóa thiết yếu đạt từ 60% - 70% so với nhu cầu.

Bên cạnh đó, huyện Phú Quý còn chủ động khuyến khích, vận động dự trữ trong dân và phối hợp Sở Công Thương để điều tiết nguồn hàng từ đất liền cung ứng cho thị trường Phú Quý đảm bảo chiếm 30 - 40% lượng hàng hóa thiết yếu theo nhu cầu.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm