Bình Thuận khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa vào phát triển du lịch

Bình Thuận khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa vào phát triển du lịch
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 300 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được Sở Vở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân loại, thẩm định giá trị và đưa vào danh mục nghiên cứu, bảo vệ. Trong đó, 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 40 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Phần lớn các di tích đều có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa và đang được khôi phục, giới thiệu, phục vụ phát triển du lịch. Việc khai thác các di tích lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch không những đem lại các lợi ích kinh tế - xã hội, thúc đẩy ngành du lịch phát triển mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, giới thiệu nét văn hóa của địa phương đến với khách du lịch trong và ngoài nước.
Tháp Chăm Pô Sah Inư là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu . Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Tháp Chăm Pô Sah Inư là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch
đến tham quan và tìm hiểu . Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư, tại Phú Hài, thành phố Phan Thiết là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đây là nơi thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu nhất tại Bình Thuận. Nhóm tháp này không chỉ thu hút du khách bởi phong cách kiến trúc Hòa Lai - một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa, mang dáng vẻ uy nghiêm và kỳ bí mà nơi đây còn có nhiều hoạt động văn hóa mang đậm nét văn hóa độc đáo của người Chăm, nhất là lễ hội Ka tê.

Theo Ban quản lý Khu di tích tháp Pô Sah Inư, hằng năm tháp đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, kiến trúc Chăm. Chỉ riêng từ đầu năm đến tháng 11/2019, nơi đây đón trên 150.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 30.000 lượt. Ngoài tái hiện lễ hội Katê hàng năm, Ban quản lý còn tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa Chăm như: Triển lãm hiện vật, trang phục, đồ gốm của người Chăm; biểu diễn nhạc cụ Chăm…

Bà Larixa, du khách đến từ Nga cho biết: “Chúng tôi rất thích thú khi tìm hiểu về văn hóa Chăm, đặc biệt là kiến trúc cổ xưa của tòa tháp này. Thật khó tưởng tượng được bằng cách nào mà người xưa có thể xây dựng những công trình cao như vậy mà không sử dụng chất liệu kết dính nào”.
 
Một góc Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh, một điểm du lịch nổi tiếng ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Một góc Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh,
một điểm du lịch nổi tiếng ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Một khu di tích lịch sử cấp Quốc gia không thể thiếu trong các chương trình “City tour” của các công ty lữ hành, du lịch khi đến với Phan Thiết, Bình Thuận là Dinh Vạn Thủy Tú. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ gắn liền với lịch sử và văn hóa của nghề đi biển, đặc biệt là tục thờ cúng thần Nam Hải (cá Ông - cá voi) của ngư dân tỉnh Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng. Ngoài chức năng lưu giữ và thờ phụng cá Ông, nhất là bộ xương cá Ông dài và lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á với niên đại khoảng 100 năm (dài 22 m, nặng 65 tấn), Vạn Thủy Tú còn là thiết chế văn hóa mang tính cộng đồng của ngư dân với nhiều hoạt động tín ngưỡng mang đậm đặc trưng xứ biển. Du khách đến tham quan không chỉ được chiêm ngưỡng tận mắt bộ xương cá Ông mà còn được tìm hiểu cuộc sống của ngư dân làng chài.

Du khách Maksim (đến từ Nga) thích thú cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được nghe truyền thuyết về cá voi giúp đỡ ngư dân khi đi biển. Kiến trúc ở đây cũng khác lạ nữa. Rất thú vị”.

Ngoài hai khu di tích kể trên, tại Bình Thuận còn nhiều khu di tích nổi tiếng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu như: Khu di tích trường Dục Thanh (thành phố Phan Thiết); dinh Thầy Thím (thị xã Lagi) gắn với lễ hội Dinh Thầy Thím; chùa Núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam), cụm di tích chùa Cổ Thạch (huyện Tuy Phong)…

Theo ông Nguyễn Chí Phú, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, trong những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương. Hiện các di tích quốc gia và cấp tỉnh đều được khoanh vùng bảo vệ, tránh nguy cơ bị xâm hại. Các di tích được bảo tồn và phát huy giá trị không những góp phần phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng của nhân dân địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn và nghiên cứu của du khách.
 
Hồng Hiếu

Có thể bạn quan tâm