Bình Thuận hướng tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn từ vùng lúa chất lượng cao

Bình Thuận hướng tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn từ vùng lúa chất lượng cao
Bình Thuận xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Ảnh minh họa: Lê Sen - TTXVN
Bình Thuận xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Ảnh minh họa: Lê Sen - TTXVN

Ông Hồ Quang Hùng ở thị trấn Lạc Tánh và là một trong những nông dân đầu tiên tham gia sản xuất lúa chất lượng cao ở huyện Tánh Linh. Chỉ từ sản xuất thí điểm vài sào đến nay gia đình ông Hùng đã có hơn 10 ha sản xuất lúa chất lượng cao. Nếu như trước đây với kiểu sản xuất lúa truyền thống, năng suất lúa chỉ đạt từ 5- 6 tấn/ha nhưng với kiểu sản xuất lúa chất lượng cao như hiện nay, bình quân mỗi vụ gia đình ông Hùng thu về từ 7- 8 tấn/ ha, có thời điểm như vụ Đông Xuân năng suất lên tới 9 tấn/ha.

Theo ông Hồ Quang Hùng, việc sử dụng giống lúa xác nhận chất lượng cao được lấy từ Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên về nông nghiệp…  nên trong quá trình canh tác, lúa ít gặp sâu bệnh, kháng rầy, kháng bệnh nên gia đình tiết kiệm chi phí vật tư.

Đồng thời, trong quá trình tham gia sản xuất, ngoài các nguồn hỗ trợ về giống, nông dân được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác như: 3 giảm, 3 tăng trong sản xuất lúa (giảm lượng giống gieo sạ- giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh - giảm lượng phân đạm và tăng năng suất - tăng chất lượng lúa gạo - tăng hiệu quả kinh tế), cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách… Hơn hết, sau thu hoạch, hạt lúa mang về đảm bảo chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nên có đầu ra ổn định, giá thành cao hơn lúa sản xuất truyền thống từ 200 - 500 đồng/kg. Với giá thành khoảng 5.400 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ha gia đình ông thu về lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/vụ.

Bà Trần Thị Lưu Vi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tánh Linh cho biết, với mục tiêu tạo ra sản phẩm đồng nhất, đáp ứng thị trường tiêu thụ, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 3.000 ha tại 27 khu vực đồng lúa của 10 xã, thị trấn trong huyện.

Ngoài hiệu quả kinh tế cải thiện thu nhập đối với nông dân, chương trình sản xuất lúa chất lượng cao giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất mô hình tập trung. Đồng thời, chương trình tạo mối liên kết “bốn nhà”, tạo được niềm tin cho nhà nông, từ đó nông dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất lúa, tạo ra gạo sạch.

Khi mới đưa vào thực hiện chương trình sản xuất lúa chất lượng cao, địa phương còn gặp phải khó khăn về giống lúa. Tuy nhiên, năm 2016, huyện Tánh Linh quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất lúa giống tập trung theo hướng xã hội hóa. Từ các mô hình trình diễn giống lúa xác nhận nhỏ lẻ đến nay, huyện đã từng bước nhân rộng sản xuất giống lúa chất lượng cao tại các xã, thị trấn với diện tích 130 ha.

Toàn huyện hiện có 3 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác sản xuất giống lúa tại Đức Phú, Gia An, Lạc Tánh… Các giống lúa sử dụng chủ yếu là giống có nguồn gốc từ Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long như OM 4900, OM 6162, OM5451… từng bước đáp ứng nhu cầu về giống trên địa bàn.

Để nâng cao chất lượng vùng lúa chất lượng cao, Đại hội Đảng bộ huyện Tánh Linh, nhiệm kỳ 2016 - 2020 ban hành nghị quyết về việc nâng cao giá trị vùng lúa chất lượng cao. Đồng thời, thực hiện quyết định 62/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cách đồng mẫu lớn, huyện Tánh Linh đẩy nhanh triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên nền tảng 3.000ha lúa chất lượng cao hiện có.

Theo phòng nông nghiệp huyện Tánh Linh, huyện đã triển khai xây dựng thí điểm cánh đồng mẫu lớn tại 2 xã Nghị Đức và Bắc Ruộng với 20ha. Bước đầu, người nông dân sử dụng cùng một giống trên diện tích thí điểm để áp dụng theo quy trình kỹ thuật. Doanh nghiệp đầu tư ứng trước vật tư, phân bón giúp nông dân có điều kiện thâm canh năng suất chất lượng và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Từ kết quả đó, đến cuối năm 2017, Tánh Linh sẽ xây dựng cánh đồng lớn lúa thương phẩm với diện tích 300 ha tại các xã Bắc Ruộng, Huy Khiêm và Đức Bình. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện sẽ hoàn thiện cánh đồng lớn với diện tích 3.000 ha.

Khó khăn hiện nay là việc mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Hiện trên địa bàn chỉ có 2 doanh nghiệp làm đầu mối tham gia thí điểm mô hình là Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Đại Nhật Phát và Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại Văn Bình Kim. Một số doanh nghiệp vẫn muốn duy trì cách thức thu mua nông sản thông qua thương lái, không muốn thông qua hợp đồng. Ngoài ra vấn đề khó khăn về nguồn vốn để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đầu tư phơi sấy, kho bãi… cũng khiến nhiều doanh nghiệp chưa tham gia.

Theo bà Trần Thị Lưu Vi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tánh Linh, để tạo thế ổn định về đầu vào, đầu ra, giúp nông dân yên tâm sản xuất, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài huyện thực hiện đầu tư liên kết sản xuất đối với toàn bộ diện tích. Đồng thời, huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mở rộng đầu tư, giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản./.

Hồng Hiếu

Có thể bạn quan tâm