Bình Thuận hướng tới phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại

Trang trại sản xuất thanh long ruột tím hồng của Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu. Nguồn: nongnghiep.vn
Trang trại sản xuất thanh long ruột tím hồng của Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu. Nguồn: nongnghiep.vn

Với quyết tâm khai thác và tạo nên những đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) vừa ban hành Nghị quyết 05 về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, tạo thêm sức bật mới trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết 05 đã chỉ ra nhiều nội dung quan trọng và có tính chiến lược trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, xác định rõ phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ, giải pháp then chốt để phát triển ngành nông nghiệp trở thành một trong ba trụ cột của nền kinh tế của tỉnh. Cùng với đó, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Bình Thuận hướng tới phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại ảnh 1Trang trại sản xuất thanh long ruột tím hồng của Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu. Nguồn: nongnghiep.vn

Ngành nông nghiệp Bình Thuận tăng cường thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư vào nông nghiệp, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt, làm cầu nối, dẫn dắt trong xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị, hỗ trợ hộ nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ cao, liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Mục tiêu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của Bình Thuận đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, có hệ sinh thái phát triển bền vững. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp hằng năm đạt bình quân từ 2,8 - 3,3%/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân khoảng 5%/năm.

Đến năm 2025, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 22-23% trong giá trị tăng thêm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm; diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt khoảng 130 triệu đồng…

Để đạt các mục tiêu trên, Nghị quyết 05 chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó rà soát, quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi gắn với việc cơ cấu lại sản xuất trên các lĩnh vực phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với việc ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp và phòng, chống thiên tai, tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ở tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, phát triển các loại hình dịch vụ ứng dụng công nghệ cao; kêu gọi các nhà đầu tư vào các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường… Tỉnh đổi mới phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; kết hợp sản xuất nông nghiệp với hoạt động du lịch…

Bình Thuận hiện có 350.000 ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 45% diện tích đất tự nhiên), bờ biển dài 192 km, ngư trường rộng lớn, thuận lợi phát triển nông nghiệp toàn diện: Trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Trong giai đoạn 2016- 2020, GRDP nhóm ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 2,88%/năm. Đến năm 2020, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 29,49% trong tổng giá trị tăng thêm.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm