Bình Thuận đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng

Bình Thuận đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng

Mặc dù, triển khai muộn hơn so với các địa phương khác trong cả nước, song sau 2 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Bình Thuận đã đạt được những dấu ấn tích cực; trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bình Thuận đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng ảnh 1Du khách tham quan Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

70 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao.

Năm 2021, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài nhưng chương trình OCOP của tỉnh Bình Thuận vẫn được triển khai thực hiện. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có quyết định công nhận 14 sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2021; trong đó, có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao; 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Một số sản phẩm OCOP cấp tỉnh nổi bật được công nhận là rong nho và rong nho muối của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Nam- Okinawa; nước ép thanh long của Cơ sở rượu thanh long Bảo Long Bình Thuận; các sản phẩm kem thanh long và rượu đế thanh long của Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ; nước mắm lú lâu năm của hộ kinh doanh nước mắm Quang Long…

Đến nay, tỉnh Bình Thuận có 70 sản phẩm của các chủ thể là các hộ gia đình, các hợp tác xã, các doanh nghiệp được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 2 sản phẩm 5 sao, 34 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao.

Ông Ngô Minh Trang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, 70 sản phẩm OCOP được công nhận là một con số rất khiêm tốn so với các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, đây là một kết quả bước đầu quan trọng và rất có ý nghĩa tạo động lực trong thực hiện chương trình trong những năm tiếp theo.

Bình Thuận được đánh giá là vùng có nhiều sản phẩm đặc sắc gắn với nền nông nghiệp phong phú đa dạng từ miền núi đến vùng biển, hải đảo. Với sự quyết tâm, sáng tạo và nỗ lực của các chủ thể, bước đầu đã tạo ra những sản phẩm mang đậm hương vị của một Bình Thuận rất đặc trưng: từ hạt gạo của vùng núi Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh; các sản phẩm từ trái thanh long của Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam đến sản phẩm nước mắm, hải sản các loại của Phan Thiết, Phú Quý… Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chương trình OCOP, các chủ thể đã quan tâm nhiều hơn về nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác, đa dạng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất…

Bình Thuận đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng ảnh 2 Sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Thuận được bày bán tại Điểm giới thiệu. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ, thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc) có 35 ha thanh long gồm 12 thành viên được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, sản phẩm thanh long sạch Hòa Lệ đã được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Từ đó, hợp tác xã đẩy mạnh nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì. Cùng với đó, để đa dạng sản phẩm, hợp tác xã đã phát triển thêm 10 sản phẩm chế biến từ thanh long như: rượu vang, rượu đế, kem, mứt, nước cốt, hoa thanh long sấy… Năm 2021, hợp tác xã có thêm 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao là: kem thanh long và rượu đế thanh long.

Theo bà Nguyễn Hoàng Thư Hương, Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ, việc đa dạng các sản phẩm từ thanh long không chỉ góp phần giúp người dân tiêu thụ bớt lượng trái thanh long tươi không tiêu thụ được, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID- 19 mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm mới lạ từ trái thanh long, giới thiệu đến mọi người nét đặc trưng của Bình Thuận.
Cầu nối đến với người tiêu dùng.

Nắm bắt được những lợi ích mà sản phẩm OCOP mang lại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, tỉnh Bình Thuận luôn triển khai các giải pháp đồng hành, xây dựng các chương trình quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP; trong đó việc đưa vào hoạt động các điểm giới thiệu, bày bán sản phẩm OCOP được coi là “cầu nối” đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Trong tháng 1/2022, Bình Thuận cho ra mắt và đi vào hoạt động 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Điểm bán hàng đầu tiên nằm trên cung đường du lịch từ nội thành thành phố Phan Thiết đến Hàm Tiến - Mũi Né, tại địa chỉ số 155 Nguyễn Thông, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết và điểm thứ 2 tại Trung tâm Thông tin và ứng dụng Tiến Bộ Khoa học công nghệ Bình Thuận. Tại các điểm này, sản phẩm bày bán đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, có đầy đủ các thông tin liên quan về sản phẩm, đảm bảo chất lượng đúng với sản phẩm đã được công nhận OCOP…

Có thể thấy, việc phát triển sản phẩm OCOP có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, một số chủ thể có sản phẩm OCOP vẫn còn trăn trở về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, việc nhân rộng các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP đã giúp các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Huỳnh Văn Dung, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cá Đen cho biết, việc đưa vào hoạt động các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đã hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp có thêm một kênh để tiêu thụ sản phẩm; là động lực để các chủ thể sản phẩm OCOP phát triển mở rộng thị trường trong nước và vươn xa thế giới.

Theo ông Ngô Minh Trang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, dịch COVID-19 đã khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Trước tình hình đó, việc tìm một địa điểm để giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người dân và du khách là hết sức cần thiết. Với chủ trương quảng bá rộng rãi các sản phẩm vùng miền của Bình Thuận, bên cạnh các sản phẩm được công nhận OCOP, các điểm bán hàng sẽ tiếp nhận và giới thiệu sản phẩm của các chủ thể, hợp tác xã có sản phẩm đặc trưng của tỉnh, có chất lượng tốt; từ đó tạo có sở để các sản phẩm tham gia OCOP sau này.

Với mục tiêu đưa chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, đến năm 2025, Bình Thuận phấn đấu có 156 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; số lượng chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên là 100 chủ thể; tỷ lệ chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định là 30% so với tổng số lượng chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận.

Để đạt được mục tiêu đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm mang tính cộng đồng, sản phẩm chế biến sâu, chủ lực có lợi thế ở các địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung triển khai các mô hình xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.

Theo đó, mô hình xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP xanh, thanh long gắn với vùng nguyên liệu tại Bình Thuận theo hướng kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ tại các xã của huyện Hàm Thuận Nam và huyện Hàm Thuận Bắc trên diện tích khoảng 100 ha. Mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng như mô hình Làng Văn hóa du lịch kiểu mẫu xã Long Hải, huyện Phú Quý. Mô hình điểm văn hóa du lịch làng nghề truyền thống nghề gốm Chăm Bình Đức tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. Mô hình du lịch nông nghiệp và trồng gừng, kết hợp trồng cây sâm cau đen dưới tán cây trong khu du lịch sinh thái tại Thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc…

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tuyên truyền về tầm quan trọng của chương trình OCOP trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, Sở phối hợp với các đơn vị tư vấn hỗ trợ cho chủ thể thực hiện các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, bao gồm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, HACCP, ISO, thiết kế bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, mã số, mã vạch, câu chuyện sản phẩm…

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm