Bình Thuận đẩy nhanh hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19

“Phiên chợ 0 đồng” với đa dạng nhu yếu phẩm phục vụ người dân ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
“Phiên chợ 0 đồng” với đa dạng nhu yếu phẩm phục vụ người dân ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Bình Thuận đang đẩy nhanh thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bình Thuận đẩy nhanh hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 ảnh 1“Phiên chợ 0 đồng” với đa dạng nhu yếu phẩm phục vụ người dân ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, từ khi thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận đề nghị hỗ trợ của hơn 74.000 trường hợp (trong đó khoảng 49.000 lao động tự do), kinh phí dự kiến là hơn 136 tỷ đồng. Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra quyết định phê duyệt 60.496 trường hợp gồm: người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch; hộ kinh doanh; người lao động tự do; trẻ em và người đang được điều trị COVID-19 hoặc cách ly y tế… với tổng số tiền hơn 111 tỷ đồng.

Tính đến ngày 1/12, các đơn vị, địa phương đã chi hỗ trợ cho 37.673 trường hợp với số tiền hơn 64 tỷ đồng, chiếm 62% tổng số trường hợp được duyệt. Một số địa phương như Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Phú Quý… đã hoàn thành việc chi hỗ trợ theo đúng số lượng đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, khi các chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thực hiện được thực hiện thì tỉnh có hơn 90.000 lao động được hỗ trợ với tổng số tiền giảm đóng là hơn 50 tỷ đồng.

Bình Thuận đã phê duyệt 1,5 tỷ đồng cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 411 lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.

Để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tất cả người lao động thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ nhưng chưa làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh, khắc phục việc cấp phát đơn đề nghị hỗ trợ đảm bảo theo yêu cầu của người lao động thuộc diện được hỗ trợ. Khi người lao động nộp đơn đề nghị hỗ trợ thì các địa phương phải tiếp nhận ngay, đồng thời hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định. Trường hợp không thuộc đối tượng được hỗ trợ thì đơn vị tiếp nhận cần giải thích rõ để người lao động hiểu...

Các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chi trả hỗ trợ cho người lao động ngay sau khi có quyết định của tỉnh phê duyệt hỗ trợ, không để xảy ra tình trạng đã có quyết định phê duyệt hỗ trợ nhưng không chi trả cho người lao động do chưa có kinh phí, kịp thời báo cáo, đề xuất khi phát sinh khó khăn, vướng mắc.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm