Bình Thuận chú trọng dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

Trường tiểu học Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.Nguồn: baobinhthuan.com.vn
Trường tiểu học Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.Nguồn: baobinhthuan.com.vn

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã mang lại hiệu quả trong việc nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh bậc mầm non, tiểu học. Chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận cũng nhờ đó mà có những thay đổi tốt hơn.

Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016- 2020” được triển khai thực hiện tại 50 trường mầm non và 47 trường, 66 điểm trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số thuộc 7 huyện trong tỉnh Bình Thuận gồm Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Tân, Đức Linh.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, hiệu quả rõ nét nhất của Đề án là nhận thức của cộng đồng và phụ huynh về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phụ huynh đã quan tâm hơn trong việc phối hợp với nhà trường làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ cũng như hỗ trợ kinh phí sửa chữa các công trình vệ sinh, bếp ăn, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, làm sân chơi, trồng cây xanh… tạo môi trường tiếng Việt thân thiện, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để huy động trẻ ra lớp, nhất là trẻ 5 tuổi.

Bình Thuận chú trọng dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số ảnh 1Trường tiểu học Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: baobinhthuan.com.vn

Đến năm 2020, toàn tỉnh Bình Thuận đã có gần 5.000 trẻ mầm non dân tộc thiểu số đến trường (chiếm 51% tổng số trẻ em người dân tộc thiểu số) và được tăng cường học tiếng Việt. Hầu hết, các trẻ đều có khả năng nắm bắt ngôn ngữ tiếng Việt, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin, có kiến thức cơ bản để bước vào lớp 1. Đối với bậc tiểu học, chất lượng học tập môn tiếng Việt của học sinh cũng được nâng lên rõ rệt, nhất là năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 có nhiều tiến bộ. Đa số các em có khả năng nói, nghe hiểu để giao tiếp trong sinh hoạt và đáp ứng yêu cầu học tập.

Để đề án mang lại hiệu quả, đối với cấp tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường có học sinh dân tộc tổ chức tăng cường tiếng Việt trong hè cho các em chuẩn bị vào lớp 1. Đặc biệt khi vào năm học, các trường thực hiện giãn tiết dạy tiếng Việt (từ 350 tiết lên 500 đối với học sinh lớp 1), tăng cường tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học và các hoạt động giáo dục. Các hội thi, giao lưu “Viết chữ đẹp”, “Tiếng Việt của chúng em”… được các trường duy trì thường xuyên.

Riêng đối với trẻ mầm non, nhiều trường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã lồng ghép chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” kết hợp với với các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ, sưu tầm các trò chơi ngôn ngữ, trò chơi trí tuệ, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Đa số các trường, lớp đều phối hợp với các bậc cha mẹ trẻ trong việc chăm sóc sức khỏe, phòng chống suy dinh dưỡng, béo phì… đặc biệt là tuyên truyền các bậc phụ huynh sử dụng tiếng Việt để giao tiếp với trẻ khi ở nhà.

Trường mẫu giáo La Dạ, xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận là một trong những trường thực hiện hiệu quả Đề án. Với đặc thù đa số học sinh của trường đều là người dân tộc K’ho nên nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt cho các em được nhà trường đặt lên hàng đầu. Do đó, khi xây dựng môi trường giáo dục, nhà trường luôn chú ý đến các tiêu chí “xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số” thường xuyên thay đổi các nội dung, tạo môi trường chữ viết, trang trí phù hợp, giúp trẻ hứng thú tham gia các hoạt động. Nhờ vậy mà đến cuối mỗi năm học, 100% trẻ đều nói tiếng Việt lưu loát, mạnh dạn hơn trong giao tiếp.

Đặc biệt, từ năm học 2017- 2018 việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ được nhà trường áp dụng theo phương pháp mới, trẻ được tiếp cận và sử dụng tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi, ở trong tất cả các hoạt động hàng ngày của trẻ tại trường. Cùng với đó, đồ dùng dạy học, đồ chơi tại trường đều do các thầy cô giáo tự làm. Trong khuôn viên sân chơi, trường còn bố trí một góc “Bé với tiếng Việt” với nhiều đồ vật, nhạc cụ, tranh ảnh, bài hát, góc thư viện thân thiện, cây xanh đều được gắn bảng tên bằng tiếng Việt để các bé làm quen và tập phát âm tiếng Việt đúng, rõ ràng. Trong quá trình giảng dạy, các câu chuyện, bài hát của người K’ho đã được dịch sang tiếng Việt vào giảng dạy.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm