Bình Thuận cấp nhãn nhận diện an toàn cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch

Bình Thuận cấp nhãn nhận diện an toàn cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch

Bình Thuận là địa phương tiên phong thực hiện cấp nhãn nhận diện an toàn cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Việc làm này không chỉ góp phần phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho du khách mà còn là mục tiêu hướng tới xây dựng điểm đến Bình Thuận an toàn, hiếu khách.

Bình Thuận cấp nhãn nhận diện an toàn cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch ảnh 1Hình ảnh nhãn nhận diện. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Trên cơ sở Bộ tiêu chí hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn tại doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh ban hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Y tế, các ngành, địa phương liên quan thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện tiêu chí phòng, chống dịch. Khi đủ điều kiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ra thông báo và cấp nhãn nhận diện an toàn chung cho tất cả các cơ sở.

Tính đến ngày 14/1, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra và ban hành thông báo, cấp nhãn nhận diện an toàn cho 19 cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch thực hiện đúng các tiêu chí phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn cho du khách. Các cơ sở được cấp nhãn nhận diện tiếp tục thực hiện và duy trì đầy đủ tiêu chí nhằm góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Bình Thuận là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết: Việc đảm bảo an toàn cho du khách luôn được ngành du lịch đặt lên hàng đầu. Việc cấp nhãn giúp du khách có thể nhận diện, biết được cơ sở nào thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời đơn vị lữ hành có cơ sở khi thực hiện chương trình quảng bá, giới thiệu “tour” đến với du khách.

“Thời gian tới, Sở tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch, khu, điểm du lịch trên địa bàn đồng loạt đăng ký thực hiện các tiêu chí an toàn để tạo tự lan tỏa và đồng bộ”, bà Nguyễn Lan Ngọc cho biết thêm.

Theo Bộ tiêu chí hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú và dịch vụ kinh doanh du lịch phải phổ biến, tuyên truyền cán bộ, nhân viên, hướng dẫn viên, người lao động và khách du lịch cài đặt ứng dụng Bluezone. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phải niêm yết bảng thông tin hướng dẫn an toàn, phòng, chống dịch; có đường dây nóng cơ sở y tế tại nơi đón tiếp khách, khu vực công cộng, phòng ngủ của khách.

Cùng với việc tổ chức đo thân nhiệt cho nhân viên, du khách, bố trí bồn rửa tay hoặc cung cấp sản phẩm rửa tay khô, các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú và dịch vụ kinh doanh du lịch chỉ tổ chức dịch vụ du lịch khi đảm bảo đúng quy định về giãn cách, số lượng người…

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, Bình Thuận đón khoảng 3,3 triệu lượt khách, giảm 48,5% so với năm 2019; trong đó, khách quốc tế khoảng 170 nghìn lượt, giảm gần 78% so với năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 9.400 tỷ đồng (giảm 38% so với năm 2019).

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm