Bình Phước với khát vọng thoát nghèo và quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Bình Phước với khát vọng thoát nghèo và quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Với khát vọng thoát nghèo và quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng bộ, chính quyền và người dân Bình Phước cùng nỗ lực “vượt qua vùng trũng” với tiêu chí “trao cần câu, không trao con cá”. Hàng loạt các chính sách, các chương trình đúng và trúng mục đích, thiết thực với đời sống của người dân, đặc biệt là với các hộ dân tộc thiểu số, đã giúp công tác giảm nghèo của Bình Phước đạt được nhiều thành tựu.

* Khát vọng thoát nghèo

Đến thăm gia đình chị Điểu Thị Liệt (dân tộc S’Tiêng) tại thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện biên giới Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), chúng tôi không khỏi bất ngờ khi ở một địa bàn vùng sâu lại có một quầy hàng tạp hóa với đầy đủ các món từ rau, củ, quả, thực phẩm đến đồ gia dụng. Điều đáng nói, bà chủ của cửa hàng tạp hóa trên, cách đây 2 năm còn là hộ nghèo của xã. “Trước đây, gia đình tôi nằm trong diện hộ nghèo nên được vay vốn 30 triệu đồng để phát triển vườn tiêu. Sau 2 năm, vườn tiêu cho thu hoạch tốt, gia đình đã trả được khoản nợ 30 triệu đồng và tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mở cửa hàng tạp hóa. Đến nay, cửa hàng tạp hóa cho thu nhập ổn định, 3 người con được đi học đầy đủ, gia đình tôi đã làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã”, chị Liệt vui vẻ cho biết.

Bình Phước với khát vọng thoát nghèo và quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” ảnh 1

Gia đình bà Lý Chánh Kiêu, thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) thoát nghèo nhờ vay vốn trồng cây sầu riêng và xen canh cây ngô. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Ông Bùi Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND xã Phước Minh cho biết, xã có gần 2.300 hộ dân, trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%. Nếu như năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 14,9%, đến năm 2020, xã phấn đấu giảm hộ nghèo xuống còn 7,9%. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, ba năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã giảm một nửa so với trước đó. Cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện, trẻ em được đến trường, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.

Lộc Ninh là huyện biên giới, vùng sâu vùng xa của tỉnh Bình Phước. Thực hiện chương trình làm 1.000 km đường giao thông nông thôn, sau 1 năm triển khai, đến nay, toàn huyện đã đầu tư được trên 431 km theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với tổng kinh phí thực hiện trên 220 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 147 tỷ đồng, nhân dân và doanh nghiệp đóng góp trên 73 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Trường Sơn cho biết: Năm 2015, toàn huyện có 2.084 hộ nghèo, chiếm 6,78% tổng số hộ dân, trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm trên 50%. Với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thực hiện Chương trình xóa 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đến năm 2020, huyện dự kiến giảm 407 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số (chỉ tiêu tỉnh giao giảm 280 hộ), đạt 145,4% kế hoạch tỉnh giao.

“Cùng với việc ban hành nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo, huyện đã triển khai chương trình “khát vọng thoát nghèo”. Thông qua chương trình này, 133 hộ nghèo đã viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Hai địa phương hiện không còn hộ nghèo là thị trấn Lộc Ninh và xã Lộc Thạnh. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 6,78% năm 2016 xuống còn 1,68% năm 2020”, ông Lê Trường Sơn cho biết.

* Xây 1.000 km đường bê tông nông thôn và xóa 1.000 hộ nghèo

Ông Lý Trọng Nhân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 40 dân tộc thiểu số chung sống với gần 200.000 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. 107 xã, phường, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và miền núi với 28 xã khó khăn, trong đó có 10 xã, 51 thôn đặc biệt khó khăn.

Công tác dân tộc luôn được tỉnh quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã triển khai tốt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và ưu tiên một phần nguồn ngân sách địa phương cùng với các nguồn vốn xã hội hóa và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, qua đó đã thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số với kinh phí hơn 522 tỷ đồng. Trong năm 2019 - 2020, tỉnh đã tập trung gần 137 tỷ đồng ngân sách để thực hiện giảm 2.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bình Phước với khát vọng thoát nghèo và quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” ảnh 2Đường nông thôn mới tại thôn Hai Căn, Tiểu khu 119, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước). Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, phong trào “Toàn dân chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã được triển khai hiệu quả ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Đặc biệt, mục tiêu giảm nghèo đã được đưa vào nghị quyết các cấp ủy đảng, chính quyền. Tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, nhất là với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nhờ đó, năm 2020 số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Phước giảm xuống còn 2,55%. Ngày 26/6/2019, UBND tỉnh Bình Phước phát động phong trào thi đua “Xây dựng 1.000 km đường bê tông nông thôn và xóa 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số” trên toàn tỉnh trong năm 2019 và đầu năm 2020. Phong trào đã góp phần chuyển biến tích cực đời sống của người dân vùng nông thôn, đưa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xoá nghèo bền vững ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.

Sỹ Tuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm