Bình Phước sản xuất sản phẩm hạt điều theo công nghệ mới

Thu mua điều tại xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Thu mua điều tại xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Bình Phước được xem là “thủ phủ điều” của Việt Nam với diện tích và sản lượng điều lớn nhất cả nước. Đặc biệt, trong những năm qua tỉnh Bình Phước chuyển hướng tập trung đầu tư sản xuất sản phẩm điều theo công nghệ mới tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Bình Phước sản xuất sản phẩm hạt điều theo công nghệ mới ảnh 1 Thu mua điều tại xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Trong năm 2022, Sở Công Thương tỉnh Bình Phước đã triển khai thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm điều theo công nghệ mới thuộc đề án khuyến công quốc gia tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất thương mại Đức Thịnh (thuộc xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng). Mô hình xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều và thực hiện có hiệu quả Nghị Quyết số 11 của Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển ngành điều giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp Bình Phước Nguyễn Thị Sáu cho biết, mô hình sản xuất sản phẩm điều theo công nghệ mới ứng dụng công nghệ mới tạo ra sản phẩm có chất lượng, thân thiện với môi trường để có thể cạnh tranh được với các sản phẩm khác tương tự trên thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Mô hình nâng cao uy tín hàng hóa cũng như doanh nghiệp chế biến điều của tỉnh trên thị trường thế giới. Ngoài ra, mô hình còn giảm chi phí về thời gian, tăng tính toàn trong chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị hạt điều, sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật…

Theo Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất thương mại Đức Thịnh Bùi Đức Thịnh, quy trình sản xuất sản phẩm hạt điều theo công nghệ mới bao gồm điều nguyên liệu; kiểm tra chất lượng và nhập kho; phân loại hạt sống; làm chín hạt điều; phân loại chín; tách nhân điều; sấy nhân điều; bóc vỏ lụa; phân loại nhân; khử trùng; đóng gói và xuất bán. Có dây chuyền công nghệ mới sẽ nâng cao giá trị sản phẩm để công ty đưa ra cạnh tranh với thị trường nước ngoài.

“Trước kia, công ty chỉ bán sản phẩm nhỏ lẻ. Từ khi thực hiện theo mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm điều theo công nghệ mới, công ty có thể đáp ứng các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Máy móc, thiết bị đầu tư trong dây chuyền công nghệ mới có tính năng ưu việt hơn các dây chuyền sản xuất hạt điều trên thị trường, thể hiện qua việc tăng công suất, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, đáp ứng các đơn đặt hàng của khách hàng. Nhờ có dây chuyền công nghệ mới, công ty đã hoàn thành hệ thống các tiêu chí để được cấp chứng nhận quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm BRC, ISO 22000, HACCP, HALAL”, ông Bùi Đức Thịnh cho biết thêm.

Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất thương mại Đức Thịnh, mô hình kỹ thuật sản xuất sản phẩm điều theo công nghệ mới đi vào hoạt động còn tạo việc làm cho khoảng 50 lao động với mức lương từ 6 triệu đến 15 triệu/tháng.

Chủ tịch UBND xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng) Vũ Phú Quang cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã Thống Nhất có khoảng 30 doanh nghiệp chế biến điều. Mô hình sản xuất sản phẩm điều theo công nghệ mới cần được nhân rộng ở địa phương. Để nâng cao giá trị sản xuất cũng như giảm chi phí công lao động đòi hỏi khi có công nghệ phải có công nhân lành nghề để đáp ứng dây chuyền tăng năng suất, giá trị thu nhập cho công ty và địa phương.

Mô hình kỹ thuật sản xuất sản phẩm điều theo công nghệ mới còn tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có cơ hội tham quan học hỏi, đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất chế biến, có những sản phẩm giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và ngoài nước.

Theo Trưởng phòng quản lý công nghiệp - Sở Công Thương tỉnh Bình Phước Trần Văn Huệ, đây là mô hình để nhân rộng cho các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị thường. Đồng thời, đây sẽ là mô hình khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh học tập, nhân rộng.

Hiện tỉnh Bình Phước có hơn 151.000ha trồng điều; trong đó có hơn 147.700ha điều cho thu hoạch. Trên địa bàn tỉnh có 1.416 cơ sở chế biến hạt điều. Ngành điều còn giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động thu hái điều và làm việc tại các cơ sở chế biến.

Theo nguồn thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triền nông thôn tỉnh, niên vụ 2021-2022 kim ngạch xuất khẩu nhân điều đạt khoảng 1,2 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đóng góp gần 25% trong tổng GDP của ngành nông nghiệp.

Việc sản xuất sản phẩm điều theo công nghệ mới góp phần thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng giá trị cho sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm