Bình Phước phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao

Bình Phước phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao

Với tiềm năng, lợi thế lớn về quy mô sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng, kỹ thuật canh tác và phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, Bình Phước đang tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước xây dựng một ngành nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Bình Phước phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1Người dân xã Hưng Phước (Bù Đốp, Bình Phước) thu hoạch tiêu. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

UBND tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh hơn 457.000 ha; trong đó, cây hàng năm hơn 27.600 ha; cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả 429.800 ha; tổng đàn gia súc đạt trên 1 triệu con, đàn gia cầm hơn 7,5 triệu con. Đối với cây trồng chủ lực của tỉnh, cây cao su chiếm diện tích lớn nhất với 246.659 ha, cây điều 139.868 ha, hồ tiêu 15.900 ha, cây ăn quả các loại chiếm diện tích 12.300 ha.

Riêng cây điều, Bình Phước được xem là "thủ phủ" điều của cả nước, chiếm hơn 50% diện tích và 54% sản lượng hạt điều. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều với công suất trên 500.000 tấn/năm.

Đánh giá đề án "Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - Huỳnh Anh Minh cho rằng, hiện nay, Bình Phước đã hình thành một cách tự nhiên về các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có thế mạnh phù hợp với thổ nhưỡng của mỗi địa phương. Do đó, cần phát huy hiệu quả tỷ trọng chuyển đổi quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, chuỗi giá trị của sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp cả nước.

UBND tỉnh Bình Phước, cho biết hiện nay các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như điều, hồ tiêu, cây cao su, cây ăn trái và chăn nuôi lợn, gà, dê... đã và đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, ưu tiên chế biến, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi từng bước tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước, thế giới đang được thực tỉnh thực hiện quyết liệt.

"Trước xu thế tiêu dùng trong nước, quốc tế về nông sản sạch ngày càng cao, ổn định khoảng 20%/năm và dịch chuyển từ mua tại chợ truyền thông qua các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, hệ thống thương mại điện tử, mua online, tăng trưởng khoảng 30% năm đối với sản phẩm từ hạt điều, cây trái cây và chăn nuôi lợn, gà. Bên cạnh đó, các tổ chức sản xuất nông nghiệp sạch gồm các hợp tác xã, các mô hình canh tác nông nghiệp sạch trên địa bàn đã từng bước khẳng định thương hiệu, sức tiêu thụ tại các siêu thị lớn và liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu", UBND tỉnh Bình Phước cho biết.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, từ nay đến năm 2025 tỉnh sẽ tổ chức điều tra, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí cho các diện tích canh tác sản xuất nông nghiệp sạch với khoảng 10.000 ha điều, 5.200 ha hồ tiêu, 5.000 ha cây ăn trái, 400 ha rau màu được xác định có phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, mẫu đất, nước, không khí... đồng thời, cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam, hoặc tương đương mà pháp luật Việt Nam công nhận cho khoảng 20.600 ha lĩnh vực trồng trọt và 10 hợp tác xã, trang trại, hội quán chăn nuôi dê, bò…

Theo đề án "Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030", đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh sẽ có 17.000 ha nông sản sạch, hữu cơ và 90% cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm đạt chăn nuôi an toàn. Xây dựng 403 nhãn hiệu các loại và tiếp tục duy trì tại các thị trường truyền thống, đẩy mạnh phát triển các thị trường mới, tiềm năng mà Việt Nam đã tham gia hiệp định tự do thương mại. Đến năm 2030, sẽ có 31.500 ha nông sản sạch, hữu cơ và 100% cơ sở, trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn…

Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý tỉnh Bình Phước cần phát huy cao độ các lợi thế về nguồn lực đất đai, vị trí địa lý trong vùng kinh tế trọng điểm; phát huy thế mạnh để phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; khẩn trương rà soát các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo phân cấp, gửi bộ, ngành hướng dẫn thực hiện, đảm bảo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.

Về đề nghị lập và bổ sung 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 200 ha vào Quy hoạch tổng thể các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương kiến nghị của tỉnh; UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, trong đó có tích hợp nội dung đầu tư phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III /2022.

Hiện, tỉnh Bình Phước đã hình thành 7 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 2.264 ha.

Sỹ Tuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm