Nông dân Bình Phước gặp khó do tiêu mất mùa

Nông dân Bình Phước gặp khó do tiêu mất mùa
Khác với không khí tấp nập vào mùa thu hoạch hồ tiêu của những năm trước khi giá tiêu đạt đỉnh gần 250.000 đồng/kg, trong những ngày đầu xuân Canh Tý năm 2020, không khí thu hoạch hồ tiêu ở Bình Phước rất trầm lắng vì từ vườn xanh tốt đến những vườn vàng hoe đều bị đổ bệnh. Không những giá thu mua hạt tiêu đang ở mức dao động trên dưới 40.000 đồng/kg, nhiều hộ dân lại đối mặt với một mùa thất thu do cây rất ít trái.
Tại các xã thuộc vùng biên huyện Bù Đốp, không còn thấy cảnh nhộn nhịp người lao động từ nhiều nơi được thuê về thu hái hồ tiêu như nhiều năm được mùa, được giá. Các hộ dân chuyên canh trồng cây tiêu đang lo lắng khi trên cây lác đác vài trái, báo hiệu một mùa thu không đủ bù chi.

Theo người dân trồng tiêu ở ấp Tân Phong, xã Tân Thành, năm nay khả năng mất mùa đến gần 90%, bởi tiêu cho đậu rất ít trái do ảnh hưởng của thời tiết. Giá hạt tiêu xuống thấp trong vài năm vừa qua đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Năm nay, nếu tiếp tục thất thu sẽ rất khó khăn trong việc duy trì cây trồng này trong các năm tiếp theo.

Gia đình ông Vòng Cám Sáng, ấp Tân Phong trồng khoảng 1.100 trụ tiêu, nay chết vài trăm trụ do dịch bệnh. Theo ông Sáng, mỗi năm gia đình thu 1 trụ khoảng 2 kg đến 3 kg hạt tiêu, nhưng năm nay không được mùa, tiêu thất thu. Do cây tiêu ít trái, gia đình không dám thuê mướn công hái mà phải tự lấy công nhà tự hái. Nếu thuê công như giờ không đủ vốn để chi tiêu trong gia đình cũng như đầu tư tiếp.

Ông Vòng Cám Sáng cho biết: "Năm nay tiêu không có trái sẽ khó có tiền chi tiêu trong gia đình cũng như trả nợ. Như mọi năm có giá, gia đình tôi bón phân 3 đến 4 đợt. Bây giờ chỉ bón phân chỉ 2 đợt, thậm chí ít hơn và không dám đầu tư mạnh nữa".

Tiêu mất mùa, giá bán thấp khiến nhiều hộ nông dân ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, Bù Đốp gặp khó. Ảnh: K GỬIH –TTXVN
Tiêu mất mùa, giá bán thấp khiến nhiều hộ nông dân ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, Bù Đốp gặp khó. Ảnh: K GỬIH –TTXVN

Ngoài ra, theo ông Sáng, cây tiêu đến kỳ thu hoạch nếu không hái sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây nên nhiều gia đình phải hái xả hết một đợt để đỡ tốn công hái, dưỡng sức cho cây phát triển cho năm sau. Nếu giá cả như hiện nay thì năm sau nữa gia đình ông sẽ chuyển sang cây trồng khác như: sầu riêng, cây bơ hoặc bắp.

Còn hộ gia đình ông Đỗ Xuân Thề ở ấp Bù Tam, xã Hưng Phước có thâm niên trồng hồ tiêu trên mười năm. Phơi những hạt tiêu vừa chín mới hái vài hôm chỉ được hơn 100 kg khiến ông chua xót. Hiện nay diện tích hồ tiêu chỉ còn hơn 1.000 trụ.

Theo ông Thề, nguyên nhân chính dẫn đến mất mùa năm nay là do thời tiết bất thường gây ảnh hưởng trong năm vừa qua. Trước năm 2015, trong lúc giá tiêu có giá cao trên 100.000 đồng/kg, gia đình ông đã làm căn nhà xây khang trang và có vốn tiếp tục đầu tư cây tiêu. Những năm sau đó giá tiêu liên tục xuống thấp khiến việc tái đầu tư ngày càng giảm đi, chi tiêu sinh hoạt trong gia đình gặp khó hơn.

Ông Đỗ Xuân Thề buồn bã nói: "Năng suất tiêu năm nay nhà tôi thất thu rồi. Tiêu vừa mất giá vừa mất mùa sẽ khiến sinh hoạt của gia đình tôi cũng như các gia đình khác trồng tiêu gặp khó. Mất mùa thế này năm sau sẽ khó khăn về kinh phí mua thuốc, bón phân chăm sóc. Nếu nhà ai có cao su, điều còn đỡ, nếu chỉ có trồng tiêu là rất khó khăn."

Trước việc tiêu liên tục rớt giá mạnh, ngành nông nghiệp đia phương cũng đã có nhiều giải pháp để cùng nhà nông giải quyết khó khăn trước mắt. Theo TS. Nguyễn Văn Bắc, quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, diện tích hồ tiêu của huyện trong khoảng 3 năm qua đã giảm đáng kể. Chủ yếu là do giá cả xuống thấp nên bà con lơ là việc chăm sóc dẫn đến vườn không phát triển tốt và bị dịch bệnh. Hiện nay, bà con có nhu cầu chuyển đổi chủ yếu là với diện tích không phù hợp, diện tích khó khăn về nguồn nước tưới...

Theo định hướng của huyện Bù Đốp sẽ là không phát triển thêm diện tích hồ tiêu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con không nên chặt cây này trồng cây khác. Nhà nông cần giữ cây trồng hiện tại, nếu thay đổi cần chọn loại phù hợp với vùng đất, khí hậu nhằm phát huy lợi thế của địa phương, phát huy lợi thế của vùng. Cũng có thể, bà con trồng xen canh hồ tiêu với cây trồng khác phù hợp nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

"Trung tâm dịch vụ nông nghiệp sẽ hướng dẫn bà con trồng một số cây ngắn ngày trên diện tích đất còn lại nhằm mục đích lấy ngắn nuôi dài. Bà con có thể phát triển chăn nuôi kèm theo như: nuôi gia cầm, nuôi dê trong thời gian ngắn để có nguồn vốn nhanh hơn giúp bà con trang trải khó khăn tức thời", Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc cho biết thêm.

Hiện nay giá tiêu đang ở mức thấp đang khiến người dân trồng tiêu không chỉ trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp mà nhiều huyện trong tỉnh có diện tích lớn rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều hộ trồng tiêu nợ nần chồng chất không có khả năng trả nợ phải bán đất, bán vườn. Còn những nhà nông "bám trụ" với cây hồ tiêu vẫn duy trì đầu tư cầm chừng không để tiêu chết. Một số khác cũng có dự định nếu năm sau giá cả cứ ở mức giá thấp như hiện nay sẽ chuyển đổi trồng sang cây khác để đảm bảo thu nhập cho gia đình, giảm bớt khó khăn.
K GỬIH
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm