Bình Phước làm rõ điểm nghẽn năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Ngày 15/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP và phân tích, đánh giá chuyên sâu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố (DDCI) năm 2021, đề ra phương hướng, giải pháp năm 2022.

Bình Phước làm rõ điểm nghẽn năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ảnh 1Lãnh đạo tỉnh tuyên dương đơn vị, địa phương đã sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, có thành tích DDCI tốt trong năm 2021. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Hội nghị nhằm giúp làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn cần được tháo gỡ để tỉnh Bình Phước nhanh chóng khắc phục, đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thúc đẩy nhanh sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh một cách bền vững.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, tỉnh Bình Phước luôn xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong những năm qua.

Năm 2021, với ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vừa triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời luôn chủ động thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, ước đạt 6,91%, đứng thứ 2 vùng Đông Nam bộ và thứ 35 so với cả nước. Thu ngân sách 7.055 tỷ đồng, đạt 58% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 54% dự toán HĐND tỉnh thông qua và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Huy động vốn ngân hàng đạt 58.970 tỷ đồng, tăng 13,02% so với cuối năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 13.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút đầu tư trong nước khoảng 5.500 tỷ đồng, tăng 2,8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 55% kế hoạch năm. Về phát triển doanh nghiệp, có 650 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký là 8.340 tỷ đồng, tăng 5,9% về số doanh nghiệp, bằng 65,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 60% kế hoạch năm.

Tại hội nghị, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đánh giá, phân tích làm rõ hơn các điểm nghẽn trong kết quả PCI năm 2021 và gợi ý một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 2022 tại Bình Phước.

Bình Phước làm rõ điểm nghẽn năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ảnh 2Quang cảnh hội nghị. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Ông Đậu Tuấn Anh chỉ ra những điểm còn bất cập diễn ra tại các cơ quan chức năng về chi phí không chính thức khá phổ biến ở một số lĩnh vực. Đồng thời cho rằng, sau đại dịch doanh nghiệp trong tỉnh cần tiếp tục được hỗ trợ nhiều hơn về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng và tìm nhà cung cấp.

Qua đó Bình Phước cần tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực cải cách hành chính, đặc biệt là ở các lĩnh vực còn gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xin cấp phép kinh doanh có điều kiện; cần hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận dễ dàng hơn một số loại thông tin và tài liệu; cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo lao động, lao động có chuyên môn...

Phát biểu tại hội nghị, ông Lee Seong Young, Tổng Giám Đốc Công ty CP Gỗ MDF VRG Dongwha vui mừng vì tỉnh Bình Phước kịp thời tháo gỡ những vướng mắc từ phía doanh nghiệp. Ông Lee Seong Young mong muốn thời gian tới, chính quyền tỉnh Bình Phước, Ban Quản lý Khu kinh tế và các sở, ngành tiếp tục đồng hành thông qua các giải pháp cải cách thể chế, quy định và thủ tục hành chính để doanh nghiệp tin tưởng đầu tư cùng với địa phương phát triển kinh tế.

Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước Nguyễn Minh Hiếu đề xuất, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp; các tổ chức tài chính công khai, công bố rộng rãi các chương trình hỗ trợ, cho vay ưu đãi… tới người dân và doanh nghiệp trên toàn tỉnh; tăng cường các hoạt động xúc tiến, đẩy mạnh xúc tiến và chuyển giao khoa học công nghệ; trong đó chú trọng xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu các sản phẩm khoa học và công nghệ…

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản cần tập trung thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, đề án, kết luận,… của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục hành chính; trong đó phải xác định rõ nguyên nhân từ cơ chế, chính sách, thể chế hay từ chủ quan của các cơ quan, địa phương.

"Chúng ta phải xác định nền hành chính phục vụ lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, tạo điều kiện tốt nhất để người dân, doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục hành chính, hoạt động sản xuất kinh doanh hay quan hệ công tác trên địa bàn tỉnh. Xóa bỏ ngay hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức trong thực thi công vụ, tham mưu đề xuất cũng như giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiêp. Khắc phục các điểm nghẽn, khó khăn về kết nối giao thông liên vùng, nguồn nhân lực và hạ tầng xã hội cần thiết...", Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước nhấn mạnh.

Năm 2021, Chỉ số PCI Bình Phước thứ hạng giữ nguyên 50/63 tỉnh, thành. Năm 2022, Bình Phước phấn đấu tăng tối thiểu 5 bậc so với năm 2021. Theo đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc để khắc phục hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối Bình Phước và Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế lớn nhất của khu vực, với cảng biển Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các khu/cụm công nghiệp và các cơ sở hạ tầng khác, nhằm cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Tỉnh cũng tập trung gỡ bỏ rào cản đối với các hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai. Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số; tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát…./.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm