Bình Phước: Cần quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số

Bình Phước: Cần quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số

Phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bình Phước lần thứ V năm 2020 diễn ra sáng 18/9, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang nhấn mạnh, đổi mới công tác thi đua - khen thưởng, tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến phát huy tác dụng, tạo sự lan tỏa, sẽ mang lại hiệu quả to lớn. Đặc biệt, cần quan tâm khen thưởng đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số.

Bình Phước: Cần quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh Bình Phước. Ảnh: Sỹ Tuyên – TTXVN

Đánh giá cao những kết quả trong công tác thi đua, khen thưởng của Bình Phước trong 5 năm qua, ông Phạm Huy Giang cho rằng, các phong trào thi đua được tỉnh Bình Phước phát động và triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần cổ vũ, động viên nhân dân hăng hái thi đua, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Thông qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong nhiều lĩnh vực đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Ông Phạm Huy Giang lưu ý, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế tồn tại, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Bình Phước trong những năm tới, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế xã - hội, giữ vững quốc phòng an ninh. Tỉnh quan tâm công tác khen thưởng, phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động sản xuất và đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa; tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến phát huy tác dụng và tạo sức lan tỏa. Bình Phước cần phấn đấu trong những năm tới ngành nào, cấp nào cũng có điển hình tiên tiến, coi đây là đổi mới phong trào thi đua, bởi làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân rộng điển hình sẽ mang lại hiệu quả to lớn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn”.

Bình Phước: Cần quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2Quang cảnh Đại hội. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh ước đạt 7,25%; thu ngân sách bình quân hàng năm tăng 22%, ước thu ngân sách 2020 đạt 10.000 tỷ đồng, vượt hơn gấp đôi chỉ tiêu đề ra; GDP đầu người đạt 67,3 triệu đồng (gấp 1,54 lần so với 2015); kinh ngạch xuất khẩu 2020 ước thực hiện 2,5 tỷ USD, tăng bình quân 14,7%, thu hút đầu tư nước ngoài 800 dự án với vốn đăng ký 50.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần về dự án và 3 lần về số vốn đăng ký so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,55%...

Trên địa bàn, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha/năm; nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi; nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, năm 2019 tỉnh Bình Phước phát động phong trào thi đua “xây 1.000km đường bê tông nông thôn và xóa 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo”, góp phần chuyển biến tích cực đời sống của người dân vùng nông thôn. Bình Phước đã triển khai, hỗ trợ người nghèo, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đạt những kết quả nhất định.

Bà Trần Tuệ Hiền, cho rằng từ việc tổ chức triển khai tốt phong trào thi đua - khen thưởng trên địa bàn tỉnh, những năm qua Bình Phước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện đáng kể; các hình thức tổ chức sản xuất, các mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo; quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, diện mạo nông thôn mới được thay đổi rõ nét...

Từ các phong trào thi đua yêu nước, trong 5 năm qua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội nhiều tỷ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, lan tỏa trong toàn tỉnh, đến mọi tầng lớp nhân dân.

Cùng với việc đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng của tỉnh đã có nhiều đổi mới, chất lượng công tác khen thưởng ngày càng được nâng lên. Tỉnh chú trọng khen thưởng đối với những tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; khen thưởng cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khen thưởng đối ngoại và đặc biệt là khen thưởng thành tích đột xuất. Việc khen thưởng gắn chặt với phong trào thi đua, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; lấy hiệu quả, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo thành tích đề nghị khen thưởng.

Tại Đại hội, nhiều tập thể, cá nhân đã được trao tặng các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước; trong đó truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Mẹ Việt Nam anh hùng” cho 7 thân nhân Mẹ Việt Nam anh hùng. Tỉnh Bình Phước tuyên dương, khen thưởng 94 gương điển hình tiên tiến; vinh danh công dân Bình Phước tiêu biểu thế hệ sinh năm 1975 và ra mắt Quỹ khuyến học khuyến tài của tỉnh.

Dịp này, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã hỗ trợ, trao tặng gần 31 tỷ đồng cho Quỹ khuyến học, khuyến tài tỉnh Bình Phước; Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex - Bình Phước tài trợ 100 suất học bổng cùng hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng tiếng anh cho giáo viên trong tỉnh với tổng trị giá hơn 51 tỷ đồng.

Sỹ Tuyên – K GửiH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm