Bình Dương phát triển công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1” (Bài 2)

Công nhân tới nhà máy làm việc tại Khu công nghiệp Sóng Thần I, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát
Công nhân tới nhà máy làm việc tại Khu công nghiệp Sóng Thần I, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát

Nhờ tận dụng tốt các ưu thế và những chủ trương, định hướng đúng đắn, cách làm sáng tạo, linh hoạt, công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh Bình Dương đã thu được kết quả khá ấn tượng. Đến nay Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp năng động, nằm trong nhóm những địa phương thu hút đầu tư hàng đầu cả nước.

Bình Dương phát triển công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1”  (Bài 2) ảnh 1Công nhân sản xuất giày da tại Khu công nghiệp Sóng Thần, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Chí Tưởng

Bài 2: Khẳng định vị thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ

Đất lành chim đậu...

Gần 30 năm trước, Bình Dương đã tạo nền móng phát triển công nghiệp bằng việc xây dựng các khu công nghiệp đầu tiên như Bình Đường, Sóng Thần… Sau đó, hàng loạt khu công nghiệp khác được đầu tư xây dựng với mục tiêu thu hút đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp. Trong số này, nhiều khu công nghiệp đã tạo được thương hiệu, khu công nghiệp kiểu mẫu giúp Bình Dương thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Tính đến thời điểm hiện nay, Bình Dương đã thành lập 29 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch lên đến hơn 12.600 ha. Trong đó, có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 88%.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong những đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Bình Dương. Đến nay, Bình Dương vẫn luôn là một trong những địa phương nổi bật của cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).  

Đáng chú ý, năm 2021, dù  chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVOD-19, Bình Dương vẫn thu hút ước đạt trên 1,7 tỷ đô la Mỹ (USD), tăng 56% so với  năm 2020 và đạt 141% so với kế hoạch đề ra.

Theo thống kê, hiện có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương. Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) đứng đầu, chiếm 53,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; Singapore đứng thứ hai với chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Thái Lan, Hàn Quốc... Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, kế tiếp là các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, vận tải, xây dựng.

Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch COVID-19, Bình Dương vẫn thu hút được không ít dự án đầu tư mới hoặc điểu chỉnh tăng vốn đầu tư. Có thể kể đến như: Dự án sản xuất sản phẩm màn hình vô tuyến và màn hình của Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore) với vốn đầu tư 185 triệu USD tại Khu công nghiệp Phú Tân; Dự án Trung tâm Logistics ECPVN Bình Dương 2 của Công ty Emergent Việt Nam Logistics Development Pte (Singapore) với vốn đầu tư 34,4 triệu USD tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B; Dự án sản xuất sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) có vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 610 triệu USD, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm lên đến gần 1,4 tỷ USD tại Khu công nghiệp Bàu Bàng; Dự án Nhà máy sản xuất Giấy của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper có vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 100 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm lên đến 1,1 tỷ USD tại Khu công nghiệp Quốc tế Protrade… 

Bình Dương phát triển công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1”  (Bài 2) ảnh 2Sau một tháng trở lại trạng thái "bình thường mới", Bình Dương đã thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Nhịp sống của người dân Bình Dương đã trở lại bình thường, không còn chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn và khu vực liên tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại làm ăn, buôn bán, kinh doanh. Trong ảnh: Công nhân tới nhà máy làm việc tại Khu công nghiệp Sóng Thần I, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát

Trong tổng số gần 2.990 dự án đầu tư còn hiệu lực tại các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Dương, có tới hơn 2.300 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký lên đến 25,7 tỷ USD và 661 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký trên 78.000 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ ba cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư cả nước.

Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang đóng vai trò là nguồn động lực chính thúc đẩy sự phát triển cả về kinh tế và xã hội của tỉnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI đã tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương thông qua việc chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, góp phần tạo ra một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như sản xuất, chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử... Nhờ đó, ngành công nghiệp của tỉnh có điều kiện phát triển theo chiều sâu, tạo động lực cho đô thị, dịch vụ - thương mại trên địa bàn cùng phát triển.

Phát triển công nghiệp phụ trợ

Bên cạnh việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, có sức cạnh tranh trên thị trường, ít thâm dụng lao động, không gây ô nhiễm môi trường, Bình Dương còn đặc biệt quan tâm thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ, nhất là công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh.

Do đó, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, da - giày, cơ khí, điện - điện tử, chế biến gỗ tại Bình Dương phát triển mạnh trong những năm gần đây và có những đóng góp quan trọng vào phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh. Mối liên kết giữa các nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các nhà sản xuất thành phẩm cũng dần được thiết lập. Đến nay, Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da - giày, cơ khí, điện - điện tử.

Trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều các dự án, doanh nghiệp lớn tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện Bình Dương đã thu hút được gần 2.300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có 442 doanh nghiệp dệt may, 172 doanh nghiệp da giày, 593 doanh nghiệp chế biến gỗ và 710 doanh nghiệp cơ khí.

Bình Dương phát triển công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1”  (Bài 2) ảnh 3Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Để ưu tiên phát triển và nâng tầm ngành công nghiệp hỗ trợ, Bình Dương đã hình thành khu công nghiệp tại huyện Bàu Bàng với quy mô trên 1.000 ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.

Đến nay, đã có nhiều dự án từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai, điển hình như dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc), cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất ô tô; Dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm của Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore), có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP II-A…

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương,  trong những năm qua, Bình Dương luôn quan tâm và xem việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.

Bình Dương hiện nằm trong top 5 địa phương có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh của cả nước. Đây là nền tảng quan trọng để hình thành sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp.

Việc thu hút đầu tư của Bình Dương không chỉ giúp phát triển công nghiệp tại chỗ mà còn thúc đẩy nhiều chuỗi sản xuất - thương mại về hàng tiêu dùng, chế biến trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam./. (Còn nữa).

 Hồng Ngọc

Bài cuối: Hướng tới phát triển bền vững

(Báo ảnh DT&MN/TTXVN)

Có thể bạn quan tâm