Bình Dương công bố quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh”

Bình Dương công bố quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh”
Tỉnh Bình Dương vừa khai mạc Triển lãm “Khảo cổ học Bình Dương - Tiếng nói từ lòng đất” và công bố quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh”. 
Công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia "Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú chánh". Ảnh: Hải Âu - TTXVN
Công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia "Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú chánh". Ảnh: Hải Âu - TTXVN

Bảo vật Quốc gia “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh” có niên đại khoảng từ thế kỷ II đến thế kỷ I đầu Công nguyên, khai quật tại khu vực Bưng Sình, xã Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vào năm 1998. Đây là hiện vật đặc biệt, quý hiếm và tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau công nguyên của vùng đất Phú Chánh, Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ, là kiểu mộ táng mới lạ được phát hiện lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam và thế giới. Việc sử dụng “áo quan” bằng chum gỗ dùng trống đồng làm nắp đậy là tư liệu rất mới trong nghiên cứu hoạt động sống của các cộng đồng cư dân cổ trên địa bàn Đông Nam Bộ.
 
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, 6 di tích khảo cổ đã được khai quật, hầu hết đều thuộc địa bàn thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Hiện tại, Bảo tàng tỉnh Bình Dương đang lưu giữ và bảo quản hơn 100 ngàn tiêu bản là di vật khảo cổ.
 
Du khách chiêm ngưỡng Bảo vật quốc gia "Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh" trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hải Âu-TTXVN
Du khách chiêm ngưỡng Bảo vật quốc gia "Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh" trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hải Âu-TTXVN

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, khảo cổ học tiền - sơ sử ở Bình Dương hơn 30 năm nghiêu cứu và hệ thống tư liệu đã cho thấy trên vùng đất này có ít nhất bốn giai đoạn phát triển gần như liên tục trong hàng ngàn năm. Thông qua những di vật khai quật tại các di tích khảo cổ tại địa phương đã bổ sung và làm rõ diễn trình lịch sử của các thế hệ cư dân sinh sống trên vùng đất Bình Dương xưa, hiện hữu một xã hội ổn định và phát triển với các nghề như: trồng trọt, luyện kim, đúc đồng, se sợi, dệt vải, làng gốm và chế tác công cụ.

Triển lãm “Khảo cổ học Bình Dương - Tiếng nói từ lòng đất” được thực hiện trưng bày theo tiến trình của lịch sử, căn cứ vào niên đại các di tích lần lượt thể hiện nội dung trưng bày bắt đầu từ di tích Hàng Ông Đụng, Hàng Ông Đại, di tích Cù Lao Rùa, di tích Dốc Chùa và sau cùng là di tích Phú Chánh với điểm nhấn là bảo vật Quốc gia “Mộ chum gỗ nắp trống đồng”. Triển lãm nhằm tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống của dân tộc, phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt di sản văn hóa là bảo vật quốc gia. Triển lãm giới thiệu đến khách tham quan một cách khái quát về văn hóa thời tiền – sơ sử trên mảnh đất Bình Dương, gợi mở việc tìm hiểu về nguồn gốc các cộng đồng dân cư cỏ Bình Dương đối với thế hệ trẻ, giúp thế hệ trẻ nhận thức được sự năng động, sáng tạo của người xưa qua những hiện vật từ lòng đất.
Hải Âu
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm