Biến thể B.1.1.529 (Omicron) nguy hiểm thế nào?

Biến thể B.1.1.529 (Omicron) nguy hiểm thế nào?

Sau khi WHO ngày 26/11 cảnh báo biến thể của Omicron (B.1.1.529) là biến thể đáng quan ngại, hàng loạt quốc gia đã nhanh chóng tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại để đối phó với biến thể mới này. Đáng lo ngại là việc biến thể Omicron có thể né tránh kháng thể do vaccine tạo ra đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng tới thành quả chống dịch COVID-19 mà nhân loại đã đạt được trong thời gian qua.

B.1.1.529 đang lan nhanh tới các quốc gia và vùng lãnh thổ

Biến thể B.1.1.529 được phát hiện lần đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11/2021. Tuy ở thời điểm hiện tại Omicron vẫn chưa được phát hiện tại nhiều nước trên thế giới nhưng các chuyên gia y tế cho rằng, đó chỉ là vấn đề thời gian và điều quan trọng là phải tìm hiểu tất cả những gì có thể để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với virus.

Cho tới nay, biến thể mới đã xuất hiện tại Botswana, Nam Phi, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Bỉ, Anh, Italy, Hà Lan, Pháp, Đức, Australia, Czech… Trong đó, Nam Phi đã thông báo phát hiện ca nhiễm biến thể B.1.1.529 vào ngày 24/11, cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc mới ở nước này tăng mạnh, Nam Phi hiện đã ghi nhận 2.500 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng mạnh so với mức trung bình 580 ca/ngày một tuần trước đó. Biến thể B.1.1.529 được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm vì nó lây lan nhanh chóng trong giới trẻ ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất của Nam Phi. Đây cũng là nhóm có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất tại nước này. Các xét nghiệm cho thấy, phần lớn những ca bệnh COVID-19 mới đều do biến chủng mới Omicron gây ra.

Trước những quan ngại của giới khoa học, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức họp khẩn, quyết định đưa B.1.1.529 vào nhóm “biến chủng đáng quan ngại” (VOC), đồng thời đặt lại tên là Omicron. Ngày 28/11, WHO cho biết vẫn chưa rõ biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có dễ lây truyền hơn so với các biến thể khác hay không hoặc biến thể mới này có khiến bệnh nặng hơn hay không. Người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier cho biết sẽ phải mất vài tuần để tìm hiểu tác động của biến thể mới. WHO kêu gọi các nước tăng cường tiêm vaccine và bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao.

Tuy nhiên lo ngại về nguy cơ lây lan của biến thể mới, đến nay nhiều nước, từ Mỹ tới châu Âu, Anh, Nga và châu Á (Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanka, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore…), đều đã ban hành các lệnh cấm hoặc hạn chế du khách từ các nước ở phía nam châu Phi. Israel ngày 27/11 thông báo cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh, trở thành nước đầu tiên đóng hoàn toàn biên giới để đối phó biến chủng Omicron. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã quyết định hoãn hội nghị bộ trưởng dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 29/11 do sự xuất hiện của biến thể này. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC +, cũng đã quyết định hoãn các cuộc họp kỹ thuật vào cuối tuần này để có thêm thời gian đánh giá tác động của biến thể Omicron đối với nhu cầu và giá dầu mỏ…

B.1.1.529 có tới 32 đột biến trong protein gai

Hé lộ về nguyên nhân xuất hiện biến thể Omicron, các nhà khoa học cho biết hiện chưa rõ biến thể này chính xác bắt nguồn từ đâu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều khả năng virus đã biến đổi ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và có mức độ lây nhiễm cao. Theo họ, biến thể này có thể đã xuất hiện ở một khu vực khác và sau đó được phát hiện ở Nam Phi, quốc gia có khả năng giải trình tự gene tốt.

Ông Michael Head, nhà nghiên cứu cao cấp về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh), nhận định đây có thể là hậu quả của một đợt bùng phát dịch, có khả năng đã xảy ra ở một số khu vực thuộc vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, nơi ít có hoạt động giám sát bộ gene của virus và tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo ông Head, sự xuất hiện của các biến thể mới là "hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm".

Không những vậy, các nhà khoa học nhận định biến thể B.1.1.529 có nhiều đột biến rất bất thường, đáng lo ngại vì chúng có thể giúp virus né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể và có khả năng lây truyền nhanh hơn. Bất kỳ biến thể mới nào có thể né tránh kháng thể do vaccine tạo ra hoặc lây lan nhanh hơn biến thể Delta hiện đang áp đảo đều có thể gây ra mối đe dọa đáng kể đối với thế giới.

Giới khoa học Nam Phi còn nhận định rằng B.1.1.529 là biến thể đáng sợ nhất mà họ từng biết tới từ khi thế giới xảy ra đại dịch COVID-19. Trong số 50 đột biến, có tới 32 đột biến nằm ở bộ phận protein gai-nơi virus dùng để bám vào tế bào người. Số đột biến ở protein gai này cao gấp đôi so với Delta-biến thể vốn vẫn đang hoành hành khắp thế giới. Nhiều đột biến không có nghĩa là nguy hiểm hơn nhưng qua nhiều lần biến đổi, biến thể không còn giống virus ban đầu và do đó có thể khiến vaccine COVID-19 hiện nay vô tác dụng.

Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó dịch tễ Nam Phi Tulio de Oliveira cho biết, protein gai giúp virus “mở khóa” xâm nhập vào các tế bào của cơ thể con người và chủng B.1.1.529 có tới 32 đột biến nhóm này. Biến chủng mới cũng có 10 đột biến ở vùng liên kết thụ thể, đó là phần virus tiếp xúc đầu tiên với tế bào người. So với biến chủng Delta chỉ có 2 đột biến, virus này nguy hiểm hơn nhiều bởi tốc độ lây lan nhanh khủng khiếp.

Trong khi đó, Giáo sư Christina Pagel, Giám đốc đơn vị nghiên cứu lâm sàng tại Đại học Hoàng gia London (Anh) thì nhận định, biến chủng B.1.1.529 là “sát thủ giấu mặt” có khả năng né tránh hệ miễn dịch trên người.

Nhìn chung, các nhà khoa học đều cùng chung nhận định, biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 có tới 32 đột biến trong protein gai, cao gấp 2 lần biến thể Delta và làm cho biến thể này về cơ bản khác với virus SARS-CoV-2 trước đó mà các vaccine phòng COVID-19 hiện tại được bào chế để chống lại. Đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều câu hỏi về biến thể mới cần được các nhà khoa học giải đáp. Hiện giới khoa học đang nỗ lực nghiên cứu để nắm bắt thêm thông tin về Omicron, từ cách thức nó lây lan, các triệu chứng và nguy cơ đến mức độ hiệu quả của vaccine hiện có trong đối phó virus. Kết quả dự kiến được công bố trong một vài tuần tới.

Và trong lúc giới khoa học đang nỗ lực tìm hiểu về biến thể Omicron, các quan chức y tế đã tiếp tục khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và đi tiêm chủng nếu chưa tiêm vaccine. Sự xuất hiện của siêu biến thể Omicron là một bằng chứng cho thấy đại dịch COVID-19 vẫn đang tồn tại.

Bài toán về công bằng vaccine tiếp tục được đặt ra

Trong lúc câu chuyện về nguồn gốc và đặc tính của biến thể Omicron (B.1.1.529) của virus SARS-CoV-2 vẫn đang cần có thêm thời gian để làm rõ thì bài toán về đảm bảo để người dân trên toàn thế giới được tiếp cận vaccine một cách công bằng một lần nữa lại được đặt ra.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron (B.1.1.529) của virus SARS-CoV-2 được cho là có khả năng lây lan và kháng vaccine cao hơn các biến thể trước đang khiến cả thế giới lo ngại. Điều đáng lưu ý là ngoài biến thể Alpha xuất hiện đầu tiên ở Vương quốc Anh, nhiều biến thể mới khác của virus SARS-CoV-2 lại được phát hiện ở các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới. Đơn cử như biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, biến thể Gamma xuất hiện đầu tiên ở Brazil, trong khi biến thể Beta là tại Nam Phi. Biến thể Omicron tuy được phát hiện lần đầu ở Botswana nhưng hiện nay đang ghi nhận số ca mắc biến thể mới này nhiều nhất là ở Nam Phi.

Tại thời điểm hiện tại, sự xuất hiện các biến thể mới ở các nước trên được nhận định có thể là do tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Thực tế cho thấy tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 ở các nước giàu hơn hiện nay đều đạt mức cao, qua đó hạn chế khả năng virus tạo ra các đột biến mới. Trong khi đó, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc người dân có tâm lý do dự tiêm vaccine ngừa COVID-19 lại vô tình tạo cơ hội cho SARS-CoV-2 tìm ra “cách thức mới” để vượt qua các hàng rào bảo vệ và biến đổi.

Trong khi những quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Italy, Hàn Quốc và Canada có thể tự hào rằng gần 70% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, số liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy có tới 110 trong số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ lại có chưa tới 50% dân số đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Trong số đó, 64 quốc gia thậm chí có tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt 25%, trong đó có Nam Phi. Ấn Độ mới chỉ có 31% dân số đã tiêm đủ liều, trong khi Nga là 37%. Trong số 37 quốc gia với tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ chưa đến 10% thì có tới 32 quốc gia thuộc khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi.

Nhìn tổng thể, cho đến nay mới chỉ có hơn 50% dân số thế giới đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Điều này đồng nghĩa vẫn còn hơn 3,4 tỷ người chưa được bảo vệ và những người này có thể trở thành “những phòng thí nghiệm” di động để virus SARS-CoV-2 tìm cách phát triển các đột biến mới.

Do đó, dù vẫn còn quá sớm để xác định được việc mức độ ảnh hưởng của biến thể Omicron, song với số lượng đột biến cao bất thường, có thể né tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể, đồng thời làm tăng khả năng lây lan thì Omicron đang thực sự là mối đe dọa cho những người chưa được tiêm phòng, hay thậm chí phá vỡ khả năng miễn dịch ở những người đã từng mắc COVID-19 hoặc đã tiêm chủng.

Trong bối cảnh đó, trong một khuyến cáo mới đây, WHO vẫn cho rằng việc bảo đảm tiêm đủ vaccine giờ đây là rất quan trọng. WHO kêu gọi mọi người dân hãy coi vaccine là biện pháp tự bảo vệ bản thân tốt nhất trước sự xuất hiện của các biến chủng mới, trong đó có Omicron. Theo Giáo sư Andrew Pollard-Giám đốc Nhóm vaccine Oxford, các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay có thể vẫn hiệu quả với biến thể mới của viru SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh) chuyên nghiên cứu y tế, Jeremy Farrar, thì khẳng định rằng sự xuất hiện của biến thể mới cho thấy tại sao thế giới cần đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vaccine ngừa COVID-19 và các công cụ y tế công cộng khác.

Trọng Đức (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm