Biến lá thốt nốt thành những bức tranh độc đáo

Biến lá thốt nốt thành những bức tranh độc đáo
Ông Tạng chia sẻ, từ nhỏ ông đã đam mê hội họa nhưng không có điều kiện để đi học. Ban đầu, ông vẽ theo ý thích, sau này khi về công tác tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thoại Sơn, trong một lần đi thẩm định phát vốn vay cho tổ làm quạt bằng lá thốt nốt của đồng bào dân tộc Khmer xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn), nhìn thấy những tàu lá thốt nốt trắng tươi, ông đã có ý tưởng tạo nên những bức tranh từ lá thốt nốt. N hững bức tranh đầu tiên làm bằng lá thốt nốt ông dành tặng bạn bè, người thân. Được mọi người khen ngợi, động viên, ông đã phát triển thành một cơ sở ghép tranh lá thốt nốt với hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật độc đáo. 
 
Ông Võ Văn Tạng, người “thổi hồn” vào tranh lá thốt nốt.
 Ông Võ Văn Tạng, người “thổi hồn” vào tranh lá thốt nốt.

Theo ông Tạng, lá cây thốt nốt thường được đồng bào dân tộc người Khmer phơi khô rồi dùng để nhóm bếp, một phần nhỏ là dùng để làm đồ thủ công mỹ nghệ, viết kinh Phật... Lá thốt nốt rất bền, không bị mối mọt, tuổi thọ có thể lên đến cả trăm năm. Để sáng tạo một bức tranh là điều không khó, nhưng để có được những họa tiết đẹp mắt, độc đáo, đạt đến độ tinh xảo trên lá thốt nốt lại không hề đơn giản. 

Ông Võ Văn Tạng hướng dẫn các học viên về kỹ thuật sử dụng “bút lửa” trên lá thốt nốt.
Ông Võ Văn Tạng hướng dẫn các học viên về
kỹ thuật sử dụng “bút lửa” trên lá thốt nốt.

Ông Tạng cho biết, tranh ghép lá thốt nốt là một sản phẩm độc đáo ở tỉnh An Giang. Chất liệu vẽ tranh lá thốt nốt - nguyên liệu đặc biệt chỉ có tại vùng Bảy Núi An Giang, lá cây thốt nốt phải từ tám năm tuổi trở lên mới đủ độ bền và dẻo. Khi vẽ, phải sử dụng phần lá non mới giữ nguyên được màu sắc của lá sau khi phơi khô. Lá thốt nốt có những sợi tơ mỏng, chính điều này giúp cho lá có độ dai và bền hơn hẳn so với nhiều loại lá khác... Việc lựa chọn thời điểm để thu hoạch lá rất quan trọng, phải chọn cắt lá vào mùa nắng, phơi khô trong vòng một tuần, sau đó ngâm phèn chua, rồi tiếp tục phơi khô. Sau đó, lá được cắt thành từng thanh nhỏ với bề rộng khoảng 2,5 cm và lựa chọn khổ tranh thích hợp rồi dán những thanh lá thốt nốt này lên một tấm giấy cứng rồi mới bắt đầu vẽ. 

Ông Võ Văn Tạng kiểm tra chất lượng lá thốt nốt trước khi vẽ.
Ông Võ Văn Tạng kiểm tra chất lượng lá thốt nốt trước khi vẽ. 

Tranh vẽ trên lá thốt nốt không dùng cọ hay màu để vẽ mà chỉ dùng "bút lửa" (que hàn điện) để vẽ. Tranh chỉ có ba màu chủ đạo là đen, nâu và vàng. Muốn có màu đen sẽ dùng “bút lửa” để cho lá cháy đậm và cứ thế độ đậm nhạt của màu tùy thuộc vào độ nóng của “bút lửa”. Đây là công đoạn quan trọng, mà người vẽ không chỉ cần có tài năng mà còn phải có kinh nghiệm và sự am hiểu về loại lá thốt nốt. Nếu để nhiệt độ của “bút lửa” quá nóng, lá bị cháy, bức tranh sẽ không thể hoàn thành - ông Tạng nhấn mạnh. 

Ông Võ Văn Tạng với bức tranh vừa mới hoàn thành.
 Ông Võ Văn Tạng với bức tranh vừa mới hoàn thành.

Sau nhiều năm miệt mài lao động nghệ thuật, ông Tạng đã sáng tạo được nhiều tác phẩm nghệ thuật. Năm 2010, ông được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập hai kỷ lục: “Nghệ nhân làm tranh bằng lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam” và kỷ lục bức tranh “Di chúc Bác Hồ làm bằng lá thốt nốt lớn nhất Việt Nam”. Mới đây, vào tháng 10 năm 2016, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì những cống hiến trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống. 

Đến nay, nghệ nhân Võ Văn Tạng đã có hơn 10.000 bức tranh ghép từ lá thốt nốt với đủ kích cỡ, chủ đề như tranh thư pháp, tranh Tứ quý, tranh phong cảnh, chân dung... Những bức tranh ghép lá thốt nốt mà ông tâm đắc nhất là bức chân dung Bác Hồ, Bác Tôn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... 

Quyết tâm theo đuổi niềm đam mê hội họa, ông Võ Văn Tạng đã thành lập cơ sở sản xuất tranh ghép lá thốt nốt mang tên mình ở thị trấn Núi Sập. Sản phẩm tranh ghép lá thốt nốt của cơ sở Võ Văn Tạng đã vươn ra khắp thị trường trong và ngoài nước./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm