Tây Ninh chú trọng nâng cao đời sống đồng bào dân tộc góp phần bảo vệ biên giới

Tây Ninh chú trọng nâng cao đời sống đồng bào dân tộc góp phần bảo vệ biên giới
Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh tặng quà gia đình bà Keo Ol - người có uy tín trong cộng đồng người Khmer ở xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: Hải Bằng/Báo Tây Ninh
Đại  tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh tặng quà gia đình bà Keo Ol - người có uy tín trong cộng đồng người Khmer ở xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: Hải Bằng/Báo Tây Ninh

Theo số liệu thống kê tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của người dân tộc thiểu số ở Tây Ninh đã được kéo giảm đáng kể trong những năm gần đây. Hiện nay số hộ nghèo, cận nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn 4,08%/ tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Ông Đốc Sốc Kha, sinh năm 1948, là người có uy tín đại diện cho hơn 200 hộ dân người dân tộc Khmer ở xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh phấn khởi cho biết, ông rất vinh dự là một đảng viên, đồng thời được bầu là người uy tín đại diện cho bà con đồng bào Khmer ở xã Hòa Hiệp. Trong những năm qua, số bà con dân tộc Khmer ở địa phương đã được hưởng rất nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục, y tế, hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Nhiều bà con Khmer nắm bắt tốt về khoa học, kỹ thuật đã vươn lên thoát nghèo bền vững, có những hộ gia đình đã vươn lên khá và giàu tạo công ăn việc làm ngược lại cho bà con đồng bào ở địa phương.

Ngoài ra, ông Đốc Sốc Kha còn cho biết thêm, với vai trò là người uy tín ở địa phương, thời gian qua ông đã tích cực tuyên truyền tới bà con người dân tộc Khmer về các chính sách của Đảng và Nhà nước, hạn chế tối đa được tình trạng người Khmer ở xã Hòa Hiệp vi phạm pháp luật, cũng như đã vận động được nhiều gia đình người dân tộc Khmer tham gia công tác xã hội, góp phần giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Còn đối với ông Danh Ngất, sinh năm 1960, người dân tộc Khmer, hiện là Bí thư Chi bộ ấp Kà ốt, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh là một trong những người có uy tín của đồng bào dân tộc Khmer ở xã Tân Đông, luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và Nhà nước đến bà con người dân tộc Khmer ở vùng biên thuộc xã Tân Đông; thường xuyên vận động bà con tham gia với các lực lượng đóng quân tại biên giới cùng phát hoang, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Ngoài ra, ông còn làm đầu mối phối hợp chặc chẽ với các ngành chức năng đến từng hộ dân người dân tộc ở địa phương để tiếp xúc, nắm những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của bà con dân tộc để tìm hướng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và vận động bà con giữ mối quan hệ tốt với bà con ở các phum, sóc liền kề ở nước bạn Campuchia; thường xuyên chia sẻ kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi và giao lưu văn hóa, văn nghệ dân tộc, góp phần bảo vệ hòa bình, hữu nghị giữa 2 quốc gia.

Trước những nỗ lực của các ngành, các cấp và sự chung tay của các đồng bào dân tộc trên toàn tỉnh, đến nay, hầu hết người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động đều được bồi dưỡng, tập huấn qua các lớp đào tạo nghề như kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, lợn, bò; kỹ thuật trồng lúa, trồng rau sạch, cạo mủ cao su… và các lớp cử tuyển trình độ từ trung cấp trở lên. Với kết quả sau học nghề có khoảng 80% người dân tộc thiểu số tham gia học nghề có việc làm ổn định, thu nhập từng bước được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các mục tiêu về an sinh xã hội, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cố gắng phấn đấu đến cuối năm 2020 tỉnh sẽ cơ bản xóa xong tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, xây dựng nguồn nhân lực là con em người đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ cho nhu cầu nhân lực ở địa phương.

Về cơ bản, Tây Ninh đã xóa được nhà ở dột nát của đồng bào dân tộc thiểu số và giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất, nước phục vụ sản xuất; đã hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học; 100% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đến trường. Cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số được nâng lên đáng kể, 100% các trục đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% số hộ có điện, nước sạch sinh hoạt, truyền hình...; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ làm việc để phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ở địa phương.

Theo ông Lã Chí Dũng, Trưởng Văn phòng đại diện của Ủy ban Dân tộc tại Thành phố Hồ Chí Minh, vừa qua Bộ Chính trị và Quốc hội cũng thống nhất các chương trình về công tác dân tộc. Theo đó từ năm 2021 đến năm 2030, sẽ có 3 chương trình mục tiêu thực hiện song song, đó là chương trình giảm nghèo bền vững; chương trình phát triển nông thôn mới và chương trình thực hiện đề án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mục tiêu sẽ đảm bảo mức sống của người dân đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được cải thiện đáng kể, từ đó rút ngắn tối đa được sự chênh lệch mức sống giữa các đồng bào trong toàn xã hội.

Những năm qua, chính quyền địa phương các cấp, cùng với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã phát huy được vai trò trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, con cháu trong gia đình, thôn ấp thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương./.
Phạm Thanh Tân
BADTMN/TTXVN

Có thể bạn quan tâm