Sức vóc mới của huyện biên giới Giang Thành sau 10 năm thành lập

Sức vóc mới của huyện biên giới Giang Thành sau 10 năm thành lập
Ngày 2/9/2009, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập huyện Giang Thành thuộc tỉnh Kiên Giang. Huyện nghèo, dân nghèo, đường sá xa xôi cách trở là những đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong khó khăn của Giang Thành khi mới thành lập. Lúc bấy giờ, cơ sở vậy chất, nhất là trụ sở làm việc của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể huyện mới đều phải xây dựng bằng những căn nhà tiền chế, tạm bợ… Nhưng tất cả đều phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, sẵn sàng sẻ chia những khó khăn ban đầu; chung sức, chung lòng cùng nhân dân vùng biên giới, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Nông dân Giang Thành thu hoạch lúa
Nông dân Giang Thành thu hoạch lúa

Trải qua chặng đường 10 năm vượt khó, Giang Thành hôm nay đã có bước phát triển đáng ghi nhận, diện mạo nông thôn từng bước đã thay da đổi thịt, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của địa phương, Giang Thành có chính sách ưu tiên mở rộng diện tích cánh đồng lớn, liên kết với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, dần hình thành vùng sản xuất lúa tập trung theo hướng hàng hóa, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp từng vùng sinh thái.

Theo đó, ở một số địa phương sản xuất lúa hiệu quả không cao, bà con nông dân chủ động chuyển đổi trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như mãng cầu xiêm, khóm, dừa, xoài, chanh, sen... Bà Đỗ Thị Yến, ngụ ấp Mẹt Lung (xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành) cho biết: bà có 30 công đất chuyển đổi trồng sen trên nền đất lúa, thu hoạch mỗi ngày khoảng 50 kg gương sen, thu nhập bình quân không dưới 600.000 đồng/ngày.

Song song đó, Giang Thành còn có thế mạnh là nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp. Vào năm 2009, Giang Thành có diện tích thả nuôi tôm trên 1.300 ha, sản lượng trên 3.132 tấn; đến năm 2018, diện tích thả nuôi tôm gần 3.500 ha, sản lượng tăng trên 7.000 tấn, gấp hơn hai lần so với năm 2009.
Công tác chỉnh trang xanh sạch đẹp cho các tuyến đường giao thông, đảm bảo tiêu chí vệ sinh môi trường
Công tác chỉnh trang xanh sạch đẹp cho các tuyến đường giao thông, đảm bảo tiêu chí vệ sinh môi trường

Bên cạnh đó, nhiều mô hình nuôi xen canh như: tôm - lúa, tôm - cua, cá - tôm sú,... đang được nhiều hộ dân quan tâm triển khai bước đầu có hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê, năm 2009, giá trị sản xuất của huyện Giang Thành đạt trên 2.200 tỷ đồng, sau 10 năm phát triển, giá trị sản xuất toàn huyện đạt trên 4.200 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng.  

Huyện Giang Thành có 5 xã thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến nay, 5 xã này được đầu tư nguồn vốn trên 745 tỷ đồng, xây dựng 802 công trình phúc lợi xã hội. Ngoài nguồn ngân sách, nguồn lực xã hội hóa hơn 29 tỷ xây dựng trường học, cầu, đường. Huyện phấn đấu trong năm 2019 này, xã Tân Khánh Hòa và xã Phú Mỹ sẽ đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới.

Trong 10 năm qua, sự nghiệp giáo dục của huyện Giang Thành đã có sự phát triển khá nổi bật, trường lớp học được xây dựng khang trang, đáp ứng khá tốt nhu cầu dạy và học từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông. Tỷ lệ huy động học sinh đến trường hàng năm đều đạt theo kế hoạch; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.
Đường giao thông nông thôn qua ấp Tràm Trổi (xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành) được xây dựng khang trang, sạch đẹp
Đường giao thông nông thôn qua ấp Tràm Trổi (xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành) được xây dựng khang trang, sạch đẹp

Ngoài ra, Giang Thành thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2009, tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế chỉ có 40%, đến nay đã đạt tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 5 xã đã làm tốt công tác truyền thông, tư vấn sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Đến năm 2018, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng theo tiêu chí mới 11,58%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2009 là 1,32% đến nay chỉ còn 1,0%.

Hiện nay, huyện Giang Thành đang định hướng phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu phấn đấu cao hơn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lương cuộc sống nhân dân.
Người dân xã Vĩnh Điều (Giang Thành, Kiên Giang) tham gia làm hàng rào, góp phần chỉnh trang diện mạo nông thôn mới
Người dân xã Vĩnh Điều (Giang Thành, Kiên Giang) tham gia làm hàng rào, góp phần chỉnh trang diện mạo nông thôn mới

Sau 10 năm thành lập, Giang Thành đã có sự chuyển biến tích cực về kinh tế, nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện được nâng cao, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Đó cũng là động lực và niềm tin để toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Giang Thành tiếp nối những thành công mới trong những giai đoạn tiếp theo, để nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc./.
Bài và ảnh: TÚ QUYÊN
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm