Sa mạc hóa biển và nguy cơ đối với vùng biển Việt Nam

Sa mạc hóa biển và nguy cơ đối với vùng biển Việt Nam
* Những nguyên nhân làm sa mạc hóa biển 

Theo Tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), sa mạc hóa biển đang là vấn đề cấp bách trong quản lý môi trường biển hiện nay. Các chuyên gia môi trường quốc tế đã chỉ rõ: “Chống sa mạc hóa trên đất liền và trên biển phải được coi là nhiệm vụ của toàn nhân loại, là nỗ lực hợp tác quốc tế lâu dài. Nâng cao nhận thức của cá nhân về nguy cơ sa mạc hóa, từ đó cùng có hành động cụ thể để ngăn chặn nguy cơ này là điều mỗi quốc gia phải làm, trước khi quá muộn”. 

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo định nghĩa của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO): Sa mạc biển là khu vực mà tất cả sinh vật biển hoặc bị chết hoặc không sống được do điều kiện tự nhiên, chất lượng nước, cảnh quan biển có chất lượng kém. Nguyên nhân trước hết gây nên hiện tượng sa mạc biển là do tác động của biến đổi khí hậu làm nhiệt độ không khí và nước biển nóng lên, các chất dinh dưỡng nito và phốt pho, nồng độ ôxy hòa tan rất thấp trên tầng mặt biển, trong các khối nước và đáy biển, tạo tiền đề cho sự hình thành khu vực biển chết hay là sa mạc hóa biển. Cộng đồng các loài động vật sống trên hoặc gần phía dưới mặt biển là hoàn toàn thay đổi bởi điều kiện thiếu oxy. Động vật bơi lội thường trốn khỏi các khu vực thiếu oxy tới vùng nước giàu oxy, trong khi động vật biển ít vận động hơn (như giun, nghêu, hàu, ốc) có xu hướng bị ngạt. Nghêu, sò và loài động vật hai mảnh vỏ khác có thể tồn tại trong nhiều giờ đến vài ngày bằng cách đóng vỏ, ngừng để lọc nước, đi vào trạng thái ngủ đông với hy vọng rằng điều kiện oxy bình thường sẽ sớm được cải thiện. Song chúng cũng sẽ chết nếu thiếu oxy kéo dài đủ lâu. 

Nguyên nhân thứ hai là do các hoạt động xả chất thải độc hại ra môi trường biển, gây phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng trực tiếp đến sự gia tăng nồng độ a xít trong biển, làm ngắt đi nguồn bổ sung dinh dưỡng, giảm đa dạng sinh học và làm gián đoạn chu kỳ của oxy, nito và photpho. Kết quả của hiện tượng a xít hóa đại dương gây hiện tượng san hô bị tẩy trắng, làm cho môi trường cư ngụ và sinh trưởng của các sinh vật biển bị biến đổi, chất lượng nước suy giảm, dễ bị tổn thương, cùng với sự biến đổi lượng chất dinh dưỡng thấp đi đã gây ra sa mạc hóa tại một số nơi. 

Thứ ba là do dòng hải lưu: Các khu sa mạc biển được hình thành ở độ sâu nằm ngay dưới lớp phân cách khối nước sâu và bên dưới của các dòng hải lưu có hình xoáy nước thuận và xoáy nghịch trên mặt biển. Sự trao đổi chậm chạp ranh giới xoáy với môi trường nước bên ngoài tạo ra các sa mạc biển vùng khơi chết, gây tác động trực tiếp tới hệ sinh thái biển đó là động vật phù du bị ức chế và chết bên trong các xoáy nước. 

Thứ tư là do sự hủy diệt các hệ sinh thái biển quan trọng như hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển bằng các biện pháp thuốc nổ, hóa chất độc hại... dẫn đến mất nơi cư trú và sinh trưởng của các loài thủy hải sản. Đặc biệt gây hại là những hoạt động lấn biển gây mất rừng ngập mặn, bồi lấp hủy diệt rạn san hô để xây dựng đảo và các công trình. Để phục hồi được hệ sinh thái san hô thuộc loại dễ bị tổn thương nhất của biển phải mất hàng chục năm tái tạo, phục hồi với công sức và kinh phí rất tốn kém. 

Thứ năm là do phát triển đô thị và các khu công nghiệp ven biển, gây ra lượng chất thải rắn, nước thải và khí thải rất lớn, phá vỡ chất lượng không khí, nước mặt và nước biển, đặc biệt là sự gia tăng các chất dinh dưỡng, dẫn tới hiện tượng phù dưỡng hay tảo nở hoa gây hại (thủy triều đỏ), làm cá và các loài sinh vật biển chết hàng loạt. Đại đa số các vùng sa mạc biển nằm sát ven bờ và gần các khu đô thị, khu công nghiệp và bị tác động tương tự nhau với các nguồn gây ô nhiễm chính: Do sự phát triển đô thị và gia tăng dân cư; gia tăng khối lượng nước cống thải; do sản xuất nông nghiệp và do nhà máy nhiệt điện. 

Nguyên nhân thứ sáu là do hoạt động vận tải biển bằng tàu thuyền tập trung quá nhiều tại một khu vực nhỏ, như khu vực gần cảng biển, cửa sông, hay gần khu bảo tồn biển, rạn san hô gây bùn hóa, đục hóa. 

* Nguy cơ sa mạc hóa tại vùng biển Việt Nam 

Các nhà khoa học Mỹ đã công bố kết quả cho thấy, những vùng biển với mức diệp lục đặc biệt thấp, được gọi là sa mạc biển đang ngày càng mở rộng ra do nhiệt độ biển ngày càng cao hơn, đặc biệt ở Bắc bán cầu. Các nhà khoa học đang tích cực triển khai ứng dụng vệ tinh để giám sát màu nước biển, đặc biệt chất diệp lục bằng các vệ tinh chuyên dụng để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ sa mạc biển để có những giải pháp cảnh báo và ứng phó. 

Khai thác cát của Cty CP Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa tạo thành những hố lớn, nguy hiểm cho người, gia súc. Nguồn: thuathienhueonline
Khai thác cát của Cty CP Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa tạo thành những hố lớn, nguy hiểm cho người, gia súc. Nguồn: thuathienhueonline

Còn tại Việt Nam, trong thời gian gần đây đã xuất hiện cá biển chết bất thường ven biển 4 tỉnh Trung Bộ. Từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đã xảy ra hiện tượng cá đáy và cá mặt, cá nuôi chết hàng loạt, cùng với việc hủy hoại san hô ven bờ. Điều đó cho thấy Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ sa mạc hóa biển. Ngoài ra, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đều chịu sự tác động của biến đổi khí hậu, các chất thải từ các khu vực đô thị và công nghiệp, hiện tượng suy giảm hệ sinh thái và hủy diệt san hô, gây ô nhiễm môi trường biển. 

Vì vậy để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an toàn sinh thái biển đảo, cần có những nghiên cứu, xác định nguồn gốc, cơ chế phát triển, phân bố, phân loại và xây dựng bản đồ sa mạc biển tại vùng biển ven bờ và ngoài khơi Việt Nam; đánh giá tác động môi trường, kinh tế xã hội và an ninh biển với các khu vực sa mạc biển, đặc biệt chú trọng các vùng biển giáp biên, vùng biển xa. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống giám sát, quản lý đặc biệt các vùng nguy cơ sa mạc biển; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phòng ngừa, cảnh báo sa mạc biển, nhất là phổ biến thông tin hiện tượng sa mạc hóa biển tới các cộng đồng dân cư ven biển, hải đảo và các tổ chức cá nhân liên quan, để họ hiểu rõ và chủ động hợp sức cùng nhau phòng tránh hiện tượng nguy hiểm này.

Có thể bạn quan tâm